Tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu vượt trội
Không chỉ đơn giản là để đối phó với những quy định về pháp lý, ngày nay bộ tiêu chuẩn ESG còn giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu đáng kể.
Trước những vấn đề nan giải về môi trường và biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu chiến lược quan trọng của nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu. Từ đó, tiêu chuẩn ESG cũng dần trở thành xu thế tất yếu của thời đại. Dưới đây là những cách tăng trưởng doanh thu mà tiêu chuẩn ESG có thể thúc đẩy.
Tăng trưởng doanh thu vượt trội
Sở hữu bộ tiêu chuẩn ESG chặt chẽ và hiệu quả sẽ giúp các công ty mở rộng thị trường hiện có, đồng thời khai thác thị trường mới. Đây chính là một trong những yếu tố then chốt giúp tăng trưởng doanh số.
Một khi chiếm được lòng tin đối với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sẽ được cấp quyền truy cập, phê duyệt và giấy phép, từ đó có thêm cơ hội phát triển. Theo nghiên cứu chuyên ngành, những công ty có hoạt động tương tác với xã hội thường chiếm được lòng tin đối với công chúng nhiều hơn, từ đó họ dễ dàng khai thác được các nguồn lực có sẵn mà không cần phải loay hoay với việc lập kế hoạch mở rộng hoặc phải trì hoãn hoạt động hiện có. So với những đối thủ cạnh tranh có vốn xã hội thấp hơn, rõ ràng những những công ty sở hữu bộ tiêu chuẩn ESG chặt chẽ đã có định giá cao hơn trên thị trường.
Để hiểu rõ hơn về lợi ích của ESG trong khía cạnh doanh thu, công ty tư vấn toàn cầu McKinsey đã thực hiện một cuộc khảo sát nghiên cứu và nhận thấy, phần lớn khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền nhiều hơn để hướng tới sống xanh. Cụ thể là hơn 70% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm 5% cho sản phẩm xanh đáp ứng được tiêu chuẩn hiệu suất tương đương với một sản phẩm không xanh khác.
Cắt giảm chi phí đáng kể
Trong số những lợi ích về mặt kinh tế, việc thực hiện ESG hiệu quả còn có thể giữ cho chi phí hoạt động không tăng cao, ví dụ như chi phí nguyên liệu thô, nước hoặc carbon… Theo McKinsey, những loại chi phí này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận tới 60%.
Sau khi thu thập các số liệu về môi trường như năng lượng, nước và chất thải để phân tích mức độ hiệu quả tài nguyên của các công ty, McKinsey nhận thấy mối tương quan chặt chẽ giữa hiệu quả tài nguyên và hiệu suất tài chính. Một số công ty tập trung đã phát triển chiến lược bền vững chuyên nghiệp nhất đều là những công ty đang phát triển rất tốt.
Giảm bớt sự can thiệp từ pháp lý
Trên thực tế về mặt pháp lý, bất kỳ quốc gia nào cũng tồn tại những quy định đặc thù có thể gây ra rủi ro cho doanh nghiệp. Chính điều này đã tác động trực tiếp tới lợi nhuận của các doanh nghiệp, ước tính mức độ ảnh hưởng lên tới 30%. Tùy theo tính chất của ngành mà mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau. Đối với ngành dược và chăm sóc sức khỏe, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng từ 25 - 30%. Tuy nhiên, với ngành ngân hàng, lợi nhuận bị ảnh hưởng lên tới 50 - 60% hoặc như với ngành ô tô, hàng không vũ trụ quốc phòng, công nghệ… giá trị lợi nhuận bị đe dọa cũng lên tới 60%.
Vì thế, khi thực hiện hoạt động ESG hiệu quả, doanh nghiệp sẽ giảm bớt được những áp lực từ pháp lý, từ đó giảm bớt những rủi ro do pháp lý gây ra. Mặt khác, doanh nghiệp còn được hỗ trợ thêm từ chính phủ.
Nâng cao năng suất của người lao động
Một bộ tiêu chuẩn ESG hiệu quả mới là chiếc chìa khóa giúp các doanh nghiệp thu hút và giữ chân người lao động trung thành với doanh nghiệp trong thời gian dài. Động lực của nhân viên sẽ ngày một tăng cao khi họ nhận thức được mục đích của việc tăng năng suất.
Hơn thế, mức lương cạnh tranh và chế độ đãi ngộ tốt vẫn chưa là điều kiện đủ để giữ chân người lao động. Trên thực tế, người lao động sẽ làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn nếu họ cảm thấy hài lòng và có tương tác kết nối trong môi trường làm việc. Nghiên cứu của McKinsey cũng cho thấy, sự tác động với xã hội càng tích cực thì người lao động càng cảm thấy hài lòng trong công việc, từ đó động lực làm việc càng cao hơn.
Tối ưu hóa đầu tư và tài sản
Khi sở hữu bộ tiêu chuẩn ESG hiệu quả, doanh nghiệp có thể tăng lợi nhuận đầu tư bằng cách phân bổ vốn cho các dự án có triển vọng và mang tính bền vững hơn như năng lượng tái tạo, giảm chất thải và công nghệ cắt giảm carbon… Các dự án này có thể giúp các doanh nghiệp tránh được các khoản đầu tư đang bị mắc kẹt và không thể sinh lời do vướng mắc về vấn đề môi trường dài hạn.
Một cách khác để tối ưu hóa tài sản của doanh nghiệp chính là tái sử dụng ngay từ bây giờ, từ những cơ sở hạ tầng cho tới các trang thiết bị có sẵn vẫn còn sử dụng được.
Cát Ân