Tiền gửi của dân cư vào ngân hàng hơn 6,34 triệu tỷ
Dù lãi suất không còn là hấp lực so với những năm trước, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, sản xuất suy giảm, nhất là bất động sản, chứng khoán, trái phiếu… đều được cho là thiếu an toàn, dẫn đến nguồn cung tiền gửi dân cư dồi dào trong nửa đầu năm nay.
Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho thấy tính đến cuối tháng 5/2023 tổng phương tiện thanh toán tại các tổ chức tín dụng, bao gồm tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tiền gửi của dân cư, và tiền các khoản phát hành giấy tờ có giá đạt số dư 14,517 triệu tỷ đồng, tăng 2,05% so với cuối năm 2022. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 3,45%, đạt 5,74 triệu tỷ đồng.
Điều đáng quan tâm là lượng tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng mạnh, lên mức 6,347 triệu tỷ đồng, tăng hơn 677.000 tỷ đồng (8,21%) so với cuối năm ngoái và là mức cao kỷ lục.
Trước đó, NHNN cho biết, trong 4 tháng đầu năm, tổng tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 467.000 tỷ đồng (7,96%) so với cuối năm 2022, cũng là mức kỷ lục tại thời điểm đó.
Một thông tin đáng chú ý khác là kể từ đầu năm 2023 đến nay lượng tiền gửi của dân cư luôn lớn hơn so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế.
Điều đáng chú ý là dòng tiền gửi của cư dân tiếp tục phá kỷ lục trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thị trường đã giảm đáng kể. Tính đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022.
Hiện các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.
NHNN cũng đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm.
Tuy nhiên, với sự bấp bênh của nền kinh tế và các lĩnh vực đầu tư được cho là khá “mong manh” dẫn đến nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư đang đổ dồn về ngân hàng.
Thái Đạt