Thanh Hóa tạo đà để thị trường bán lẻ phát triển
Hạ tầng thương mại của Thanh Hóa phát triển và mở rộng nhanh. Năm 2019 được xem là thời điểm bùng phát thị trường bán lẻ ở Thanh Hóa với sự xuất hiện của hàng chục siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, chuyên doanh.
Năm 2019 được xem là thời điểm bùng phát thị trường bán lẻ ở Thanh Hóa với sự xuất hiện của hàng chục siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, chuyên doanh.
Cho đến nay, Thanh Hóa có 27 siêu thị, 2 trung tâm thương mại được công nhận theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Công Thương. Trong đó siêu thị hạng III chiếm 60%, tăng 2 siêu thị so với năm 2020. Ngoài ra trên địa tỉnh này có tới hơn 140 cửa hàng tiện lợi, cùng với hàng chục nghìn cơ sở bán lẻ.
Việc phát triển hệ thống hạ tầng thương mại của tỉnh Thanh Hóa thông qua thu hút các doanh nghiệp đầu tư đã hình thành hệ thống các cửa hàng phân phối, bán lẻ như: siêu thị Winmart, điện máy MediaMart, thế giới di động, điện máy xanh và nhiều kênh phân phối, bán lẻ văn minh, tích hợp nhiều tiện ích khác; hay một số trung tâm thương mại, siêu thị còn kết hợp dịch vụ giải trí, ăn uống, mua sắm, như Trung tâm thương mại Vincom Plaza, BigC, Siêu thị Co.op Mart, Nhà sách Fahasa...
Trong đó, riêng Tập đoàn Masan đồng loạt khai trương chuỗi cửa hàng tự chọn WinMart+ ở hầu khắp những điểm tập trung đông dân cư trên địa bàn TP Thanh Hóa. Với mục tiêu hướng đến đa dạng đối tượng khách hàng, WinMart+ đã đầu tư các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini quy mô nhỏ, diện tích dưới 1.000m2 cung cấp đầy đủ mọi mặt hàng thiết yếu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý. Ðặc biệt WinMart thể hiện sự nhanh nhạy nắm bắt tâm lý người tiêu dùng với mô hình “2 trong 1”, kết hợp giữa siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi cung cấp thực phẩm cũng như thực phẩm ăn nhanh và các loại hàng hóa tiện ích khác.
Chị Ngô Thị Dung, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: Tôi thường xuyên mua sắm thực phẩm, hàng công nghệ phẩm tại cửa hàng tiện lợi của WinMart thay vì việc đi chợ truyền thống hay vào siêu thị như trước đây bởi nhiều tiện ích như: hàng hóa phong phú, tươi ngon, có kiểm định chất lượng và được tư vấn, hỗ trợ chế biến ngay tại quầy. Thêm vào đó không phải chen chúc, lo gửi phương tiện như đi chợ truyền thống.
Tại Siêu thị Điện máy XANH, ngoài địa bàn TP Thanh Hóa, siêu thị cũng đã đẩy mạnh thị trường ở khu vực nông thôn để cung ứng đến khách hàng sản phẩm điện máy gia dụng tầm trung, phù hợp với điều kiện chi tiêu ở nông thôn và gia tăng các dịch vụ bảo hành, sửa chữa thiết bị sau bán hàng.
Tiếp nối đà phát triển ấy, từ đầu năm đến nay, nhiều hoạt động thương mại phục hồi tích cực, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung... được các DN, siêu thị, chuỗi cửa hàng tổ chức đồng loạt thúc đẩy nhu cầu mua sắm tăng. Nhiều DN, siêu thị, cơ sở, chuỗi cửa hàng cũng đã tìm cách thích ứng, thay đổi mô hình kinh doanh, cân đối lại đội ngũ nhân sự. Bên cạnh đó, kết hợp bán hàng đa kênh trên nhiều nền tảng thương mại điện tử, góp phần tạo môi trường kinh doanh đa dạng, phong phú, thích ứng với tình hình mới.
Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xu hướng chuyển đổi số ngày càng được quan tâm, nhất là việc phát triển hạ tầng về công nghệ, thông tin. Đây là điều kiện để các DN, hệ thống bán lẻ, đơn vị sản xuất, kinh doanh phát triển các nền tảng dịch vụ mới theo hướng hiện đại, số hóa. Qua đó, góp phần thu hút người tiêu dùng, tăng doanh thu.
Theo đại diện các DN bán lẻ lớn trên địa bàn tỉnh như Siêu thị Co.opmart, Trung tâm mua sắm điện máy Nguyễn Kim, FPT shop..., một trong những yếu tố giúp DN bán lẻ trong tỉnh giữ vững sức bật từ đầu năm đến nay là khả năng thích nghi với thị trường rất tốt. Các DN và các mạng lưới bán lẻ đã nhanh nhạy và kịp thời trong việc đầu tư ứng dụng về hình thức mua bán trực tuyến giúp kích cầu tiêu dùng hiệu quả. Với những phục hồi tích cực, nên hoạt động thương mại tuy đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng 7 tháng năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu vẫn đạt hơn 76.173 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trung tâm thương mại, các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại Thanh Hóa phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại thành phố, thị xã và các thị trấn. Nhiều chợ sau khi đi vào hoạt động chưa thu hút các tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán.
Với mục tiêu phát triển thương mại theo hướng hiện đại, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương tại Thanh Hóa đang tiếp tục triển khai các giải pháp, kế hoạch để phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử; đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, khu vực.
Thanh Hóa cũng đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại trong hoạt động kinh doanh, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển thương mại, quan tâm phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng nông thôn, miền núi để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 tăng 17,6%/năm, đến năm 2025 đạt 265.000 tỷ đồng./.
Dương Định (T/H)