Thủ đô vững bước trên chặng đường phát triển
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một Thủ đô văn minh, hiện đại, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Ngày 29/5/2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo đó, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2008.
Sau khi sáp nhập, từ một thành phố có quy mô diện tích và dân số nhỏ bé (152,2km2 với 43,7 nghìn người), Hà Nội ngày nay đã mang tầm vóc của một đô thị lớn với diện tích hơn 3.300km2, dân số gần 10 triệu người, trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới.
Phát triển mạnh mẽ, đảm bảo đời sống nhân dân
Đến nay, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, cuộc sống của người dân ngày một được nâng cao. Kinh tế - xã hội của Thủ đô đã và đang không ngừng tăng trưởng mạnh. Theo đó, kinh tế của Hà Nội tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực.
Trong giai đoạn 10 năm từ 2008-2018, kinh tế Hà Nội tăng trưởng bình quân 7,41%/năm, gấp gần 1,3 lần mức tăng bình quân chung cả nước là 6%. Quy mô GRDP năm 2018 ước đạt hơn 904 nghìn tỷ đồng. Năm 2019, tăng trưởng GRDP vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,46%.
Trong 2 năm 2020 và 2021, kinh tế Thủ đô đã gặp rất nhiều thử thách do đại dịch Covid-19. Năm 2020, GRDP của Thành phố tăng 3,98%; năm 2021 tăng 2,92%. Năm 2022, kinh tế Thủ đô từng bước phục hồi. Hà Nội đã hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu phát triển năm 2022. GRDP tăng trưởng 8,89%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Bên cạnh đó, đời sống xã hội luôn được chính quyền Thủ đô quan tâm. Trong suốt những năm qua, Hà Nội đã chủ động xây dựng hàng nghìn ngôi nhà cho người có công với cách mạng; tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; quan tâm thực hiện cấp điện cho các địa bàn chưa được dùng điện lưới; cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư chuẩn hóa; hỗ trợ việc làm cho người lao động, xây dựng nhiều gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vực dậy sau đại dịch Covid-19…
Đến nay, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực với 15/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã được công nhận đạt chuẩn. Nhiều xã thuộc diện khó khăn, miền núi khi mới sáp nhập vào Hà Nội nay từng bước thay da đổi thịt.
Xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) vốn là một trong những địa phương từng gặp nhiều khó khăn trước khi sáp nhập, cuộc sống của người dân vẫn còn thiếu thốn với tỷ lệ hộ nghèo cao. Thế nhưng sau 15 năm, xã Tiến Xuân giờ đây đã khang trang hơn với công trình nhà văn hóa, hệ thống giao thông các tuyến đường rộng rãi, trường học, hệ thống lưới điện đã được nâng cấp... Người dân đầu tư nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển nghề trồng rừng, trồng cây ăn quả, tạo ra nhiều công việc làm, cùng nhau phát triển kinh tế.
Hay tới xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), diện mạo thay đổi một cách ngỡ ngàng về mọi mặt. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở đây cơ bản đã được nâng cấp; trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã, trung tâm văn hóa, các nhà văn hóa thôn được xây mới để phục vụ người dân.
Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân ở đây phấn khởi nói: “Ngày trước cơ sở vật chất ở xã gần như chẳng có gì, đa phần là đường đất, đi lại khó khăn. Sau khi sáp nhập vào Hà Nội, cơ sở vật chất được đầu tư đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Con em chúng tôi được học ở những ngôi trường mới cao đẹp, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, đi lại thuận tiện. Chính vì vậy mà người dân chúng tôi cảm thấy yên tâm, hăng say lao động sản xuất để phát triển quê hương mình”.
Tiếp tục đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng quy hoạch
Nhìn lại quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội, đây là lần mở rộng quy mô lớn nhất trong lịch sử. Sau 15 năm, lĩnh vực xây dựng, quản lý, phát triển đô thị đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ rõ rệt. Công tác quy hoạch luôn được Thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Theo đó, Thành phố đã triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, từng bước thay đổi diện mạo bằng các đồ án phát triển không gian đô thị. Vừa qua, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt như: Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống...
Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, Hà Nội đang tiến hành điều chỉnh nhiều quy hoạch, hướng đến phân bổ dân cư hợp lý. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều quy hoạch vẫn còn chưa được triển khai, chậm muộn, đề xuất điều chỉnh còn chưa hợp lý.
Theo các chuyên gia về quy hoạch, Thủ đô cần quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây sẽ là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để chính quyền Thành phố Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và hoạch định chính sách phát triển. Do vậy, Hà Nội cần tập trung vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, có sự tham gia của các cấp, cộng đồng xã hội…
Bên cạnh công tác quy hoạch, nhiều dự án lớn được Thành phố đẩy mạnh đầu tư xây dựng, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Về hạ tầng giao thông, hàng loạt công trình giao thông lớn, hiện đại đã được hoàn thành như Nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài; các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ gồm Láng - Hòa Lạc, Pháp Vân - Cầu Giẽ; Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng… Một số cây cầu mới như Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Đông Trù và nhiều cây cầu vượt đã được xây dựng. Cùng với đó là 3 tuyến vành đai 3, 4, 5 có tổng chiều dài 129,5km.
Thành phố đã triển khai thi công các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đi vào hoạt động. Theo dự kiến, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được đưa vào khai thác, vận hành trong năm 2023.
Là người thường xuyên sử dụng dịch vụ tàu điện, chị Nguyễn Hồng Nga (quận Đống Đa) cho biết, việc Thành phố phát triển hạ tầng giao thông công cộng, phục vụ người dân đi lại là rất đáng hoan nghênh.
“Đi làm bằng tàu điện rất thuận lợi, giảm bớt việc phải chờ lâu do ùn tắc. Điều này cũng giúp cho đường phố Hà Nội thông thoáng xe cộ hơn, giảm bớt ô nhiễm. Hà Nội cần tiếp tục có những giải pháp mới về hạ tầng giao thông để giảm bớt áp lực cho vùng nội đô đông dân”, chị Nga nói.
Bên cạnh đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm khác như dự án hầm chui Lê Văn Lương, dự án cầu Vĩnh Tuy 2, dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch… đang được Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được khởi công vào tháng 6/2023.
Về hạ tầng xã hội, Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng nhiều khu đô thị, trung tâm thương mại mới, hiện đại. Trong đó có Khu đô thị Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Việt Hưng, Vinhomes Riverside, Linh Đàm, Royal City, Times City, Trung Hòa Nhân Chính…
Đặc biệt, nhiều dự án nhà ở xã hội được quan tâm, chú trọng triển khai. Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn đã có 4 dự án đã hoàn thành, 46 dự án đang triển khai và 5 dự án khu nhà ở xã hội độc lập đang được nghiên cứu.
Nhiều công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, công viên, vườn hoa, cây xanh, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí… vẫn đang được Thành phố quan tâm, xây dựng, cải tạo mới.
Anh Nguyễn Văn Nam sống tại huyện Gia Lâm đã mua được căn nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá nhiều năm về trước. Anh Nam cho biết, hiện nay, Khu đô thị Đặng Xá có đầy đủ công trình hạ tầng xã hội, nằm tại vị trí đắc địa với nhiều tuyến đường quan trọng đi qua.
“Khi về sống ở đây, tôi cảm thấy rất vui vì đời sống được nâng cao, đi lại thuận tiện. Tôi mong chính quyền Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa, thúc đẩy việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội mới cho những người dân có thu nhập thấp giống như tôi có cơ hội được sở hữu ngôi nhà mới”, anh Nam chia sẻ.
Với những thành công nhất định sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã và đang từng bước vươn mình phát triển, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thách thức mới, khẳng định tầm vóc của một Thủ đô văn minh, hiện đại. Trên con đường phát triển đó, Hà Nội sẽ cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, giải quyết những khó khăn một cách triệt để và đạt hiệu quả cao.