0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 24/04/2023 16:28 (GMT+7)

Hà Nội mở thêm 3 tuyến phố đi bộ giai đoạn 2023-2024

Theo dõi KT&TD trên

Dự kiến trong năm 2023 và đầu 2024, Hà Nội sẽ mở thêm 3 tuyến phố đi bộ nhằm thúc đẩy, phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội của quận và thành phố.

Theo kế hoạch, năm 2023 UBND quận Đống Đa sẽ lập đề án thực hiện tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết; xây dựng không gian văn hóa, phố đi bộ Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đến năm 2024, quận mở tuyến phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam, kết hợp không gian đi bộ Hồ Hoàng Cầu, ga Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, các tuyến phố đi bộ, ẩm thực trên thuộc địa giới hành chính của 7 phường: Văn Miếu, Văn Chương, Quốc Tử Giám, Trung Liệt, Ô Chợ Dừa, Cát Linh và Ngã Tư Sở.

Đối với quận Ba Đình, sau khi khai trương phố ẩm thực đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận tiếp tục hoàn thiện đề án Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh. Diện tích nghiên cứu khoảng 12 hecta, bao gồm cả 36.000 m2 mặt nước hồ Ngọc Khánh, vườn hoa phía đường Nguyễn Chí Thanh hơn 3.800 m2. Quý IV/2023, phố đi bộ hồ Ngọc Khánh dự kiến khai trương.

Hà Nội mở thêm 3 tuyến phố đi bộ giai đoạn 2023-2024 - Ảnh 1
Trong năm 2023 và đầu 2024, Hà Nội sẽ có thêm 3 tuyến phố đi bộ tại 2 quận trung tâm là Đống Đa và Ba Đình.

Theo kế hoạch, mục đích nhằm tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình số 03 về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025"; Xây dựng và phát huy giá trị các không gian văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực mang tính cộng đồng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa vui chơi giải trí của người dân và khách du lịch; Thúc đẩy, phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội của quận và thành phố.

Hiện Hà Nội có 5 không gian đi bộ đang hoạt động bao gồm các tuyến phố quanh: hồ Gươm, khu phố cổ Hà Nội, phố Trịnh Công Sơn và Thành cổ Sơn Tây; 1 khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Ngũ Xã; phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận.

Trong đó, phố đi bộ hồ Hồ Gươm đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2004. Tính đến nay, phố đi bộ này được đánh giá hoạt động hiệu quả. Sau 6 năm hoạt động, không gian đi bộ Hồ Gươm và phụ cận đã trở thành thương hiệu, điểm đến của người dân và du khách trong, ngoài nước.

Trung bình mỗi ngày khu phố đi bộ quanh hồ đón khoảng 20.000 khách. Khoảng 600 cơ sở kinh doanh đã chuyển sang hoạt động dịch vụ du lịch. Hàng trăm sự kiện văn hóa quy mô lớn, với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trong nước, các tổ chức quốc tế đã được tổ chức tại đây.

Tuyến thứ hai là phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Tháng 5/2018, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã đi vào hoạt động. Đến nay, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tạp kỹ phong phú, đa dạng, thu hút được sự quan tâm của du khách và nhân dân trên địa bàn.

Tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, trung bình một tuần, tuyến phố thu hút từ 10-15 nghìn lượt khách. Riêng trong tuần đầu mở cửa, phố đi bộ đã đón hơn 35 nghìn lượt người.

Với khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ tại Đảo Ngọc Ngũ Xá được khai trương vào tối ngày 23/12, Khu phố ẩm thực đêm, kết hợp đi bộ tại Đảo Ngọc Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình (Hà Nội) được khai trương, góp thêm không gian vui chơi, giải trí, mua sắm cho người dân và du khách.

Không gian Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã tổ chức tại 2 tuyến phố giao cắt trung tâm đảo gồm Ngũ Xã và Nguyễn Khắc Hiếu, dài khoảng 120m, tạo sự lan tỏa toàn bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã, phường Trúc Bạch.

Khu phố ẩm thực được mở tất cả các ngày trong tuần, riêng các ngày cuối tuần, từ 18 giờ thứ Sáu đến 24 giờ Chủ nhật sẽ cấm các phương tiện giao thông cơ giới tại 2 tuyến phố Ngũ Xã và Nguyễn Khắc Hiếu để dành không gian cho khách đi bộ thưởng thức ẩm thực.

Ngày 30/12/2022, không gian đi bộ Trần Nhân Tông (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) bắt đầu được đưa vào hoạt động nhằm tạo ra điểm vui chơi, giải trí cho người dân và du khách nhân dịp năm mới 2023.

Ngoài vị trí đắc địa, với tổng chiều dài tuyến phố đi bộ khoảng 1.600 m, không gian đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận còn có hệ sinh thái và các điểm văn hóa, vui chơi công cộng: khu vực Công viên Thống Nhất, rạp xiếc Trung ương, Nhà văn hóa Học sinh - Sinh viên Thành phố, hồ Thiền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa kết hợp với khu vực tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ”.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội mở thêm 3 tuyến phố đi bộ giai đoạn 2023-2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đâu là rào cản doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất?
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố then chốt. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Tin mới

Xu hướng kinh doanh đồ uống: Đâu là mô hình tiềm năng nhất?
Thị trường đồ uống luôn là một lĩnh vực năng động với nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh đồ uống mới, sáng tạo và đầy tiềm năng.
Giá căn hộ tăng cao: Khi nào người mua nhà mới "dễ thở"?
Thị trường bất động sản Việt Nam những năm gần đây đang trải qua giai đoạn biến động mạnh mẽ. Mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, giá căn hộ vẫn duy trì ở mức cao, khiến người mua nhà - đặc biệt là tầng lớp trẻ và người có thu nhập trung bình - vẫn phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề.
Gen Z và cơn sốt trà: Khi thế hệ trẻ biến thức uống cổ điển thành xu hướng mới!
Gen Z đang biến trà từ một thức uống truyền thống thành xu hướng sành điệu và sáng tạo. Từ trà sữa trân châu đến trà masala chai đậm đà, họ không ngừng thử nghiệm và đổi mới. Không chỉ là một sở thích, trà đã trở thành phong cách sống, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững.