Thái Nguyên: Hướng tới là trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, diện tích quy hoạch mới các khu công nghiệp (KCN) là 1.599ha, nâng diện tích các KCN quy hoạch gấp gần 3 lần diện tích các KCN đã thành lập.
Đây là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Hiện nay, toàn tỉnh có 05 KCN với tổng diện tích 1.471ha. Các KCN đã có trong quy hoạch gồm: KCN Sông công II giai đoạn 2; KCN - đô thị - dịch vụ Phú Bình; Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình; 4 KCN quy hoạch mới có tổng diện tích là 1.599ha nằm trên địa bàn huyện Phú Bình (3 khu với diện tích 731ha) và TP. Phổ Yên (01 khu với diện tích 868ha).
Về quy hoạch cụm công nghiệp (CCN), toàn tỉnh hiện có 18 CCN với tổng diện tích 839,12ha. 11 CCN đã có trong quy hoạch thời kỳ trước nhưng chưa được thành lập là hơn 500ha. Diện tích 12 CCN vừa được phê duyệt quy hoạch mới thời kỳ 2021 - 2030 là 727,28ha, trong đó: TP Thái Nguyên 04 CCN (diện tích 292ha); huyện phú Bình 2 CCN (diện tích 146,68ha); huyện Phú Lương 3 CCN (diện tích 140,6ha); huyện Đại Từ 2 CCN (diện tích 118ha) và huyện Đồng Hỷ 01 CCN (diện tích 30ha). Theo Quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 tỉnh Thái Nguyên sẽ hình thành 12 KCN có tổng diện tích 4.245ha và 41 CCN với diện tích 2.067ha.
Tỉnh Thái Nguyên đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt từ 8-8,5%/năm, quy mô kinh tế đạt khoảng 13,5 tỷ USD; về cơ cấu kinh tế, sản xuất công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 60%, dịch vụ chiếm khoảng 82,8%, còn lại là ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; đến năm 2030, quy mô dân số toàn tỉnh đạt khoảng 1,52 triệu người với thu nhập bình quân đầu người ước đạt 8.900 USD (tăng 4.000 USD so với năm 2023), tỷ lệ đô thị hóa đạt 61,7%. Do vậy, việc mở rộng quy hoạch các KCN, CCN có vai trò hết sức quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn vốn FDI, động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển. Quy hoạch tỉnh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% các KCN, CCN, đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn 95%…
Tại Kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên năm 2023, đó là: Tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; thích ứng với tình hình mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân. Các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2023 như: GRDP đạt 8,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 115 triệu đồng/người (gần 4.900 USD).
Các đột phá phát triển của tỉnh: Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, KCN, CCN, đô thị, dịch vụ gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối các chuỗi: Sản xuất - sản phẩm - giá trị, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ; nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp.
Về phát triển công nghiệp - xây dựng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tích cực triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đã được đặt ra tại Nghị quyết số 16/2021/QH-15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và ứng dụng những thành tựu 4.0; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả, thích ứng với cơ chế thị trường. Tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng các KCN, CCN của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư trong năm 2023.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, tỉnh trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch, dịch vụ.
Việc mở rộng quy hoạch KCN, CCN là yếu tố quan trọng, cấp thiết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập người dân; tầm nhìn phát triển đến năm 2050 phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.