Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án Thủy điện Ngòi Hút 2
Theo kết luận thanh tra của TTCP, trong quá trình khai thác gỗ và quản lý rừng trong quá trình triển khai Dự án xây dựng thủy điện Ngòi Hút 2 do CTCP đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành làm chủ đầu tư, do quản lý yếu kém dẫn đến mất số lượng gỗ trên 321m3 .
Giao thầu khai thác trái quy định, làm mất hơn 321m3 gỗ
Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra “Trách nhiệm của UBND tỉnh Yên Bái trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng giai đoạn 2015 – 2020 và công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, giai đoạn 2010 – 2020”.
Theo kết luận, công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng, tập trung vào thực hiện các giải pháp phòng ngừa ở lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm. Song song với đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhiều đơn vị việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm còn chậm; không phê duyệt kế hoạch khi tiến hành thanh tra; không công bố quyết định thanh tra khi triển khai hoạt động thanh tra; báo cáo và ban hành kết quả còn chậm.
Đơn cử như những tồn tại được chỉ ra ở Dự án xây dựng thủy điện Ngòi Hút 2 do Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành làm chủ đầu tư. Theo đó, Dự án Thủy điện Ngòi Hút 2 được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu này 28/12/2007, tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn với quy mô 48MW, diện tích sử dụng 164 ha, tổng mức đầu tư là hơn 1.000 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện từ năm 2008 – 2011. Sau 7 lần điều chỉnh, dự án còn chiếm 130 ha diện tích sử dụng đất, tổng vốn đầu tư là 1.502 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cho biết, dựa trên hồ sơ thiết kế khai thác rừng tự nhiên của Lâm trường Văn Yên năm 2010, sản lượng khai thác gỗ trên diện tích thực hiện dự án Thủy điện Ngòi Hút 2 là hơn 1.737m3 gỗ tròn. Để triển khai dự án Thủy điện Ngòi Hút 2, UBND huyện Văn Yên đã xin phép UBND tỉnh Yên Bái; Sở Nông nghiệp và PTNT để chỉ định thầu đơn vị khai thác gỗ và được chấp thuận.
Sau đó, UBND huyện Văn Yên có bản phê duyệt kết quả chỉ định gói thầu khai thác gỗ GPMB thi công công trình thủy điện Ngòi Hút 2, đơn vị thực hiện là Công ty TNHH xây dựng Trường Thành thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La. Vị trí khai thác thuộc diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên tại địa bàn xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên.
Sau khi được phê duyệt, việc tổ chức khai thác 452m3 gỗ, tổ chức đấu giá thanh lý và thu về số tiền 452 triệu đồng. Đơn vị tổ chức đấu thầu đã chi 421 triệu đồng, chỉ còn nộp về ngân sách nhà nước 30 triệu đồng. Đối với việc chỉ định gói thầu khai thác gỗ với khối lượng theo thiết kế khai thác 1.737m3 gỗ tròn, giá trị gói thầu 2,6 tỷ đồng, Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định UBND huyện Văn Yên đã thực hiện chưa đúng quy định tại Luật Đấu thầu.
Thực tế số gỗ chưa khai thác còn lại 960m3 thuộc nhóm VI đến nhóm VIII. Công ty Trường Thành đã tổ chức trồng rừng thay thế với diện tích 48,8ha với giá trị trên 2,4 tỷ đồng tại Tiểu khu 322, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải.
"Trong quá trình khai thác gỗ và quản lý rừng, do quản lý yếu kém dẫn đến mất số lượng gỗ trên 321m3 (gỗ từ nhóm II đến nhóm V và nhóm VII).", kết luận nêu rõ.
Trách nhiệm để xảy ra sự việc trên, theo Thanh tra Chính phủ, thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái phụ trách lĩnh vực và các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND huyện Văn Yên, Công ty Trường Thành.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, xác định giá gỗ theo quy định đối với số lượng trên 321m3 gỗ tròn để thu hồi về ngân sách nhà nước đối với Công ty Trường Thành.
Xử phạt vì "nhập nhèm" mốc giới hồ thủy điện
Liên quan đến dự án này, đo đếm thực tế trên diện tích 28,2 ha đã được cấp phép, diện tích đã khai thác để xây dựng nhà máy, đường giao thông, xây dựng các công trình phụ trở là 10 ha; diện diện tích còn lại trên 17 ha, kết quả xác định được trữ lượng gỗ còn lại chưa khai thác là 879 m3.
Theo thiết kế cơ sở và giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án của Trường Thành cũng có dấu hiệu "nhập nhèm" trong việc xác định đầy đủ địa điểm xây dựng dự án. Theo đó, tại lần điều chỉnh thứ 2, địa điểm thực hiện dự án, nội dung vị trí xây dựng tuyến đập và hồ chức nước thuộc địa bàn giáp ranh giữa xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn và xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải. Tuyến Năng lượng, tuyến áp lực và nhà máy phát điện trên địa bàn xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải.
Căn cứ vào hồ sơ tọa độ tại Quyết định phê duyệt hiệu chỉnh quy hoạch thủy điện nhỏ Yên Bái của Bộ Công thương, và kết quả thẩm định thiết kế cơ sở dự án thủy điện Ngòi Hút 2 của Sở Công thương tỉnh Yên Bái, Thanh tra Chính phủ phát hiện một vị trí có thực hiện dự án đã bị ghi thiếu.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: "Như vậy, theo quy hoạch được Bộ Công thương phê duyệt xác định tọa độ dự kiến, trùng với tọa độ theo Hồ sơ thiết kế cơ sở đã được thẩm định trong dự án đầu tư, đều có địa điểm xây dựng dự án tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Tuy nhiên, thiết kế cơ sở và giấy chứng nhận đầu tư ghi thiếu địa điểm xây dựng dự án tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên".
Sau khi kết thúc thanh tra trực tiếp tại địa phương, UBND tỉnh Yên Bái ban hành quyết định thu hồi đất phi nông nghiệp (đất công trình năng lượng) của Công ty Trường Thành đang quản lý, sử dụng với tổng diện tích 14,53ha, giao UBND xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên quản lý.
Tới ngày 16/1/2023, phần diện tích thực hiện dự án tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên mới được bổ sung vào địa điểm dự án thủy điện Ngòi Hút 2.
Tại dự án này, cuối năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cũng đã có kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành tại các dự án Nhà máy thủy điện Ngòi Hút II, Ngòi Hút 2A và Pá Hu.
Ngày 22/6/2022, Đoàn thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại ba dự án trên. Đoàn thanh tra cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế của Công ty Trường Thành khi đã cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa thủy điện Pá Hu, nhưng chưa bàn giao mốc giới cho UBND xã quản lý. Với hành vi vi phạm trên, Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành bị xử phạt 15 triệu đồng.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái yêu cầu Công ty Trường Thành thực hiện quản lý sử dụng đất đai đúng mục đích được UBND tỉnh Yên Bái cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện bảo vệ môi trường và trong lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu UBND huyện Trạm Tấu chỉ đạo UBND xã Pá Hu, xã Làng Nhì thực hiện nhận bàn giao và quản lý mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định.
Được biết, Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành (Trường Thành Group, mã chứng khoán TTA – sàn HOSE) được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu từ năm 2008, đăng ký thay đổi lần thứ 12 năm 2021, đại diện pháp luật là ông Trần Huy Thiệu - Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty. Trụ sở chính tại thôn Nậm Cườm, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, văn phòng giao dịch tại số 29 Nguyễn Quốc Trị, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Công ty có 3 dự án nhà máy thủy điện được cấp phép tại tỉnh Yên Bái gồm: Dự án nhà máy thủy điện Ngòi Hút II tại xã Tú Lệ, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn với công suất thiết kế 48 MW; Dự án nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2A địa điểm xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải với công suất thiết kế 6 MW; Dự án nhà máy thủy điện Pá Hu địa chỉ tại xã Pá Hu, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu với công suất nhà máy 30 MW.
Công ty cũng có 2 dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận gồm: Dự án điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ, địa chỉ tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước và xã Phước Dinh, Phước Nam, huyện Thuận Nam với công suất 62 MW; Dự án điện mặt trời Hồ Núi Một 1 địa chỉ tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận với công suất 50 MW. Ngoài ra, công ty Trường Thành cũng liên kết với Công ty CP Phong điện Phương Mai tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình với công suất 30 MW.
Hồng Quang