Chuyên gia: Xây dựng 2 thủy điện trên sông Hồng - Lợi bất cập hại
PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, không nên xây dựng thêm thủy điện trên sông Hồng.
PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, không nên xây dựng thêm thủy điện trên sông Hồng.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ, ngành về việc bổ sung quy hoạch 2 dự án thủy điện trên sông Hồng, đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai.
Cụ thể, 2 dự án thủy điện Thái Niên và Bảo Hà cùng một bậc thang thủy điện trên sông Hồng, do Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 lập tháng 12/2022. Dự án thủy điện Thái Niên có quy mô công suất 75MW với 4 tổ máy, mực nước dâng bình thường 74m. Dự án thủy điện Bảo Hà có quy mô công suất 75MW với 4 tổ máy, mực nước dâng bình thường 63m.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc quy hoạch thêm dự án thủy điện dưới 100MW trên sông Hồng sẽ gây ra những tác động tiêu cực, "lợi bất cập hại".
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhấn mạnh, không nên xây dựng thêm thủy điện trên sông Hồng. Bởi lẽ, việc xây dựng sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng chảy, phù sa, hệ sinh thái (hiểu theo nghĩa rộng), cũng như đời sống người dân...
Theo ông Tứ, sông Hồng có 3 nhánh lớn gồm: Nhánh sông Đà, nhánh sông Hồng, nhánh sông Lô. Nhánh sông Đà đã khai thác triệt để từ Hòa Bình ngược lên Sơn La, Lai Châu, có rất nhiều thủy điện lớn nhỏ. Nhánh sông Hồng là nhánh nằm giữa, là dòng chính của sông Hồng, địa chất, địa mạo không phù hợp để xây thủy điện. Cho dù có khắc phục những khiếm khuyết này bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật thì tác động của việc xây dựng thủy điện trên nhánh sông Hồng sẽ tác động rất lớn đến môi trường.
"Sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc chảy qua miền Bắc Việt Nam và đổ ra Vịnh Bắc Bộ. Trên phần thượng nguồn con sông này, Trung Quốc đã xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, điều này tác động không nhỏ đến sông Hồng chảy qua nước ta. Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều về sông Hồng và đi đến kết luận rằng, với tình trạng hiện nay, không nên xây bất cứ nhà máy thủy điện nào trên sông Hồng nữa", PGS.TS Đào Trọng Tứ cảnh báo.
Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, việc bổ sung quy hoạch thêm 2 dự án thủy điện trên sông Hồng là không hợp lý. Chưa bàn đến lợi ích kinh tế, việc xây dựng thủy điện kéo theo hàng loạt hệ lụy lâu dài. Môi trường, thiên nhiên bị hủy hoại, dòng chảy bị phá nát, hạ du bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hàng nghìn con sông lớn nhỏ. Gắn liền với sông ngòi là nguồn tài nguyên vô giá (nước và nguồn thủy sinh). Bên cạnh việc cung cấp cho hoạt động sinh kế của người dân, sông ngòi còn tạo điều kiện để phát triển giao thông đường thủy. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn tài nguyên vô giá mà hệ thống sông ngòi mang lại đang bị khai thác quá mức.
Việc phát triển thủy điện dày đặc, chặn dòng chảy của hầu hết các con sông, mặc dù đem lại nguồn lực cho phát triển kinh tế, nhưng việc phát triển thủy điện ồ ạt đã để lại những hệ quả to lớn đối với thiên nhiên và con người. Điều chúng ta có thể thấy rõ nhất là sự biến đổi dòng chảy tự nhiên, gia tăng nguy cơ lũ vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô. Nhiều nhà máy thủy điện không tuân thủ các quy trình vận hành, gây bức xúc trong dư luận.
Mặt khác, nếu đặt lên "bàn cân" thì việc có thêm 150MW điện từ hai dự án thủy điện Thái Niên và Bảo Hà có đáng để "phá nát" một dòng sông hay không?", PGS.TS Đào Trọng Tứ đặt câu hỏi.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Đào Trọng Tứ bày tỏ lo ngại về nguy cơ tài nguyên thiên nhiên bị thất thoát trong quá trình xây dựng nhà máy thủy điện. Không ít doanh nghiệp lấy lý do xây dựng hồ chứa để tận thu khoáng sản, khai thác cát, và nhiều loại tài nguyên khác. Do đó, các cơ quan quản lý cần siết chặt vấn đề này.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Mới đây, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Bộ Công Thương về việc bổ sung quy hoạch 2 dự án thủy điện Thái Niên và Bảo Hà trên sông Hồng (địa phận tỉnh Lào Cai).
Bộ Xây dựng cho rằng, hồ sơ của hai dự án thủy điện này cần hoàn thiện nhiều nội dung để có cơ sở đánh giá và xem xét việc bổ sung quy hoạch thủy điện.
Theo Bộ Xây dựng, cần có đánh giá tổng thể bậc thang của các công trình thủy điện có liên quan 2 dự án nhằm đảm bảo đồng bộ, hiệu quả trong phát triển các dự án thủy điện theo quy định. Đồng thời, cần bổ sung đánh giá sơ bộ về an toàn hồ, đập và an toàn các công trình liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an sinh cho người dân hạ du của dự án.
Bộ Xây dựng cũng lưu ý, việc sử dụng đất của dự án cũng cần tuân thủ quy định của luật Đất đai, đảm bảo về bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời, hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án thủy điện Thái Niên và Bảo Hà cần được rà soát, cập nhật nội dung đánh giá tác động đến môi trường, tích trữ, điều tiết nguồn nước tưới tiêu cho khu vực hạ lưu sông Hồng.
Hải Đăng