Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường công tác PCCC và CNCH, giao người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Ngày 13/9, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản khẩn gởi các đơn vị về triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn Thành phố.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, tuyên truyền về PCCC và CNCH
Thực hiện Công điện 796/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về vụ cháy chung cư mini tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội), nhằm tăng cường công tác an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố yêu cầu thủ trưởng các các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thành phố.
Đổi mới tư duy, nhận thức phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác PCCC và CNCH phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay. Các sở, ban, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về PCCC theo quy định của.
Xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy - lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình về công tác PCCC và CNCH, để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.
UBND Thành phố giao Công an Thành phố khẩn trương tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch tổng kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH đối với các cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini... trên địa bàn.
Hướng dẫn UBND Thành phố Thủ Đức và các quận huyện triển khai ngay tổng rà soát, kiểm tra, phân loại, đánh giá công tác đảm bảo an toàn về PCCC đối với các đối tượng trên.
Hoàn thành trước ngày 15/11/2023, báo cáo kết quả cho UBND Thành phố (thông qua Công an Thành phố).
Đẩy mạnh công tác kiểm tra; các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trong khu dân cư, cơ sở tập trung đông người, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, các cơ sở có nguy cơ khi xảy ra cháy sẽ có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về PCCC và CNCH.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH bằng nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác PCCC và CNCH, nhất là các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp...
Giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, tham mưu đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình, đặc biệt là các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao; đồng thời rà soát, phân loại, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về xây dựng đối với loại hình cơ sở nêu trên, báo cáo UBND Thành phố (thông qua Công an Thành phố) trước ngày 30/10/2023.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng đối với các công trình chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở tập trung đông người như: cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, chung cư, nhà cao tầng...
Giao UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện: khẩn trương tổng rà soát, kiểm tra, phân loại, đánh giá công tác an toàn PCCC đối với các cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini trên địa bàn, chủ động phát hiện các vấn đề tồn tại, các vi phạm về PCCC và CNCH để kịp thời hướng dẫn, kiến nghị thực hiện ngay các biện pháp khắc phục theo quy định pháp luật.
Trường hợp vi phạm nghiêm trọng về quy định pháp luật về PCCC thì kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Hoàn thành trước ngày 30/10/2023, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND Thành phố (thông qua Công an Thành phố).
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND cấp phường, xã, thị trấn: thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về PCCC theo quy định pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về biện pháp, giải pháp xử lý, kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, đặc biệt đối với loại hình chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao. Hướng dẫn, đề nghị các hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ hai, lắp đặt thiết bị báo cháy, chuông báo cháy, phương tiện chữa cháy, thoát nạn và chuẩn bị các phương án xử lý khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn.
Củng cố lực lượng PCCC tại chỗ ở địa bàn dân cư theo phương châm “lấy phòng ngừa là chính, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy”, “từng nhà an toàn - từng khu phố an toàn - từng xã, phường an toàn”.
Khẩn trương kiểm tra, rà soát việc xây dựng, cấp phép xây dựng các công trình trên địa bàn theo thẩm quyền, nhất là các công trình chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở tập trung đông người, cơ sở nguy hiểm cháy, nổ trong khu dân cư... Những trường hợp vi phạm phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Người đứng đầu xã - phường, quận – huyện chịu trách nhiệm
Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố và bị xử lý theo quy định pháp luật nếu để các công trình xây dựng không đúng quy định, chưa được cấp phép xây dựng, chưa được thẩm duyệt - chấp thuận nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có thẩm quyền nhưng đã đưa vào hoạt động và để xảy ra cháy, nổ.
Thực hiện chế độ, chính sách theo quy định đối với người đứng đầu Ban điều hành khu phố, lực lượng dân phòng được giao thực hiện công tác PCCC và CNCH. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, đề xuất việc mua sắm, trang bị, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ đối với phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC tại khu phố (như xe chữa cháy mini, máy bơm chữa cháy, cưa máy cầm tay, dụng cụ phá dỡ, thiết bị cắt kim loại, phá khóa, mặt nạ phòng độc...); sắp xếp, bố trí hợp lý trụ sở làm việc của lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố tại các địa bàn dân cư. Rà soát các tuyến đường nhỏ, ngõ hẻm, lối thoát hiểm... ở khu dân cư, bảo đảm điều kiện về giao thông, chiếu sáng,
Do tính chất quan trọng của công tác, UBND Thành phố yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nghiêm túc, báo cáo theo quy định; chịu trách nhiệm trước Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố và trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm quy định pháp luật, xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, ngày 13/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (SN 1979; hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy) về tội Vi phạm quy định về PCCC theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự. Các Quyết định và Lệnh bắt bị can đã được Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội phê chuẩn.
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã xác định được vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong và 37 người bị thương. Hiện Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội tiếp tục khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và tích cực phối hợp với các sở, ngành thành phố Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân.