0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 21/11/2024 11:21 (GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rà soát xử lý các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ

Theo dõi KT&TD trên

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa ký ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rà soát xử lý các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ
Dự án chống ngập, ngăn triều tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa hoàn thiện sau nhiều năm thi công.

Kế hoạch nhằm quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai nhanh các công trình, dự án, không để thất thoát, lãng phí, nhất là các dự án tồn đọng, dừng thi công, trụ sở các cơ quan, Ngân hàng thương mại Nhà nước, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp Nhà nước, các bệnh viện, khu ký túc xá sinh viên… thuộc phạm vi, địa bàn Thành phố quản lý (sau đây gọi là công trình, dự án tồn đọng).

Theo kế hoạch, các Sở, ban, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung rà soát các công trình, dự án tồn đọng theo 5 nhóm, gồm. Nhóm 1: Các dự án đầu tư, bao gồm các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Nhóm này gồm 3 nhóm thành phần với tiêu chí cụ thể: Nhóm các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư công: các dự án đầu tư công đến thời điểm hiện nay chưa hoàn thành dự án và đã quá thời gian bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công (tính từ thời điểm năm đầu tiên bố trí vốn khởi công).

Đó là dự án nhóm B có tổng mức đầu tư dưới 800 tỷ đồng là không quá 5 năm; dự án nhóm B có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng đến dưới 2.300 tỷ đồng là không quá 8 năm; nhóm C là không quá 3 năm; còn dự án nhóm A không quy định thời gian bố trí vốn nên đề nghị rà soát theo thời hạn của dự án nhóm B trên 2.300 tỷ đồng, không quá 8 năm (thực hiện theo Luật Đầu tư công 2014); dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm (thực hiện theo Luật Đầu tư công 2019); các dự án sử dụng vốn ODA.

Nhóm các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư: Danh mục các dự án đã được rà soát, đang theo dõi tại các Tổ công tác và các dự án chậm tiến độ, đang dừng hoặc tạm dừng thực hiện.

Nhóm các dự án đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP): các dự án PPP đang chậm thực hiện theo tiến độ tại các hợp đồng dự án, giấy chứng nhận đầu tư.

Nhóm 2: Các tài sản công, bao gồm trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả và các loại tài sản công khác không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả (khu ký túc xá sinh viên, các bệnh viện, ...).

Nhóm 3: Các tài sản, dự án đầu tư tồn đọng, dừng thi công, không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh hoặc của doanh nghiệp có phần vốn góp của các doanh nghiệp này; các dự án do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện, có sử dụng tài sản công để góp vốn, hết thời hạn hoạt động, gia hạn thời hạn hoạt động.

Nhóm 4: Các công trình, dự án tồn đọng liên quan tới quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử (gồm các dự án đã được tổng hợp trong danh sách của Tổ công tác 153 và các dự án có phát sinh việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử sắp tới).

Nhóm 5: Các khu đất có diện tích lớn, vị trí đắc địa, có phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng... chưa được đưa vào sử dụng.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Thanh tra Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành liên quan nghiên cứu chuyên đề về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, quy định pháp luật là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, gây lãng phí.

Sở Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổ chức khen thưởng biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án này hoặc đề xuất xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài.

"Kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan để các dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí nguồn lực", văn bản của UBND Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ.

Bạn đang đọc bài viết Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rà soát xử lý các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Đầu tư hơn 363 tỷ đồng vào 3 dự án trọng điểm
Tỉnh Nghệ An vừa thông qua Nghị quyết về việc bổ sung hơn 363 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ nguồn ngân sách Trung ương. Quyết định này nhằm triển khai ba dự án trọng điểm, bao gồm cả lĩnh vực y tế, hạ tầng cơ bản và phát triển du lịch.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến triển khai xây dựng vào năm 2027, hoàn thành vào năm 2035, với chiều dài 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến tổng vốn hơn 67 tỉ USD.
Khám phá lễ hội chè Việt Nam: Nét đẹp văn hóa từ những đồi xanh
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với những đồi chè bát ngát mà còn thu hút du khách bởi các lễ hội chè mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Những sự kiện này không chỉ tôn vinh người trồng chè mà còn góp phần quảng bá hình ảnh chè Việt trên thị trường quốc tế.

Tin mới

Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đối với CTCP In Hospitality (Công ty)
Ngày 18/11/2024, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 377/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần In Hospitality (Địa chỉ trụ sở chính: 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh), cụ thể như sau:
Cơn sốt trà đặc sản khuấy đảo giới trẻ
Thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của một xu hướng mới: trà đặc sản. Không còn là những ly trà sữa béo ngậy, giới trẻ đang dần chuyển sang ưa chuộng những ly trà nguyên bản, đậm vị, được chế biến từ những dòng trà cao cấp của Việt Nam.