Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng cầu Long Kiểng sau 22 năm phê duyệt
Sự kiện khánh thành cầu Long Kiểng nối liền xã Phước Kiển và xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè là bước ngoặt lớn đối với người dân 2 xã sau 22 năm chờ đợi.
Dự án được phê duyệt năm 2001, đến năm 2018 mới khởi công nhưng sau đó phải dừng lại do khó khăn vướng mắc về quy mô, ranh dự án, nguồn vốn, bồi thường giải phóng mặt bằng.... Sau hơn 30 cuộc họp giữa lãnh đạo Thành phố với các Sở, ngành, chủ đầu tư, chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tháng 9/2022 dự án tái khởi động và đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ ngày 8/9/2023.
22 năm với hơn 30 cuộc họp giải quyết khó khăn về cầu Long Kiểng
Báo cáo quá trình xây dựng cầu Long Kiểng, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dự án đầu tư xây dựng cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt đầu tư ngày 28/5/2001 và chính thức khởi công xây dựng vào ngày 09/8/2018 nhưng đến ngày 20/12/2019 dự án phải tạm dừng thi công vì không có thêm mặt bằng để tiếp tục thi công.
Trong giai đoạn từ 28/5/2011 đến 20/12/2019, do nhiều vướng mắc bất cập về quy mô, ranh dự án, nguồn vốn, bồi thường giải phóng mặt bằng.... nên dự án đã có 2 lần điều chỉnh, 1 lần chuyển đổi chủ đầu tư nhưng vẫn không thể triển khai đúng theo kế hoạch.
“Nhận thấy công trình xây dựng cầu Long Kiểng không thể tiếp tục kéo dài và nút thắt bồi thường giải phóng mặt bằng cần phải được tháo gỡ, lãnh đạo Thành phố và các Sở, ngành đã tập trung kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đã có hơn 30 cuộc họp giữa lãnh đạo Thành phố với các Sở, ngành, chủ đầu tư và địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cả hệ thống chính trị huyện Nhà Bè cũng đã vào cuộc quyết liệt để đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Với cách làm mới, khẩn trương, kiên trì, quyết liệt, cụ thể đến từng hộ dân, từng người dân, đảm bảo tiến độ triển khai ngay cả trong những ngày cao điểm dịch Covid trong năm 2021. Bên cạnh đó, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông) cùng với các đơn vị tư vấn, nhà thầu quyết liệt đeo bám, hỗ trợ, đồng hành với địa phương, các Sở, ngành trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tranh thủ từng diện tích mặt bằng được bàn giao để khởi động lại công tác thi công....
Tại Lễ bàn giao mặt bằng ngày 08/9/2022, chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công đã cam kết sẽ hoàn thành, thông xe cầu Long Kiểng vào 31/12/2023. Thực hiện lời hứa và đáp ứng nhu cầu mong mỏi của người dân, dự án đã hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với thời gian dự kiến”, ông Phúc nói.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sự kiện thông xe cầu Long Kiểng, Nhà Bè là niềm vui, niềm hạnh phúc của người dân huyện Nhà Bè.
“Đến giờ phút này, tôi vẫn nhớ mãi lời chia sẻ của cụ Lâm Thị Nga, cụ mong được sống đến ngày cầu Long Kiểng được hoàn thành. Lúc đó cụ mới ngoài 60 tuổi, nay đã gần 90 tuổi - cái tuổi xưa nay hiếm. Sáng nay, khi tôi tới thăm má, má nói cầu hoàn thành đã giúp người dân được thuận lợi trong sinh hoạt, các cháu học sinh đến trường dễ dàng hơn và không còn nơm nớp lo sợ khi đi qua cầu cũ. Má Nga cũng mong ước Đảng và Nhà nước tiếp tục xây dựng nhiều cây cầu ý nghĩa như vậy”, bà Lệ nói.
Tại buổi lễ, bà Lệ đã biểu dương Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, huyện Nhà Bè và đội ngũ kỹ sư đã nỗ lực để đưa dự án về đúng tiến độ. Bà Lệ đề nghị chủ đầu tư, các Sở, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện, tổ chức bộ máy, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân không chỉ công trình này mà những công trình hạ tầng giao thông khác trên thành phố.
“Có thể nói đây là công trình chiếm gần ¼ thế kỷ nhưng mất 20 năm là đền bù giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự án, tìm vốn đầu tư. Đây là công trình lãnh đạo Thành phố đặc biệt quan tâm, cùng cả hệ thống chính trị của thành phố và huyện Nhà Bè đã nỗ lực để hoàn thành mong ước của người dân. Công trình này đã thực hiện đúng cam kết với người dân của chủ đầu tư, đơn vị thi công, nhất là Đảng bộ, chính quyền huyện Nhà Bè”, bà Lệ nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Liễu, 77 tuổi ngụ ấp 1, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè xúc động ngẹn ngào :“Mấy bữa này nhờ cháu nội dẫn đi qua đi lại trên cầu 4 - 5 lần rồi, mừng lắm, thấy cầu rồi chết cũng vui”.
Bài học lớn trong công tác đền bù giải tỏa
Ông Lương Minh Phúc cho biết, từ kết quả thành công trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hoàn thành dự án xây dựng cầu Long Kiểng có thể rút ra 4 bài học lớn, là: Sự quyết tâm, quyết liệt, kiên trì, chi tiết và cụ thể của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện Nhà Bè trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là vai trò của Ban Chỉ đạo, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng cùng sự kiên trì, vượt khó và sự tôn trọng lắng nghe ý kiến người dân; Sự chủ động, phối hợp, đeo bám, đồng hành của chủ đầu tư với chính quyền địa phương, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè, các Sở, ngành, UBND, HĐND Thành phố trong suốt quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng; Sự quan tâm hỗ trợ, kiểm tra, giám sát của HĐND Thành phố, hướng dẫn chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của UBND Thành phố, các Sở, ngành trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai dự án; Sự chia sẻ, đồng hành, đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư tiếp nhận 100% mặt bằng vào ngày 08/9/2022 và thông xe cầu Long Kiểng vào ngày 08/9/2023.
“Những bài học thành công từ công trình xây dựng cầu Long Kiểng sẽ được nhân rộng đến các địa phương trên toàn thành phố. Để trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ tiếp tục được bàn giao mặt bằng và thi công, hoàn thành nhiều công trình giao thông đang phải dừng thi công để chờ mặt bằng như cầu: Ông Nhiêu, Tăng Long ở Thủ Đức, cầu Bà Hom ở Bình Tân cùng các tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý, Lương Định Của, Dương Quảng Hàm, Tỉnh Lộ 8 và một số công trình giao thông khác...”, ông Phúc mong muốn.
Theo thiết kế, cầu Long Kiểng dài hơn 318m rộng 15m, trong đó 2 làn xe ôtô rộng 7m, 2 làn xe 2 – 3 bánh rộng 5m và lề bộ hành bên phải rộng 2,5m. Đường dẫn vào cầu dài 661m chiều rộng từ 18 – 29m, trong đó xã Phước Kiểng dài 215m và xã Nhơn Đức dài 446m, cùng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng. Dự án có tổng mức đầu tư 589 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 211 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng, tái định cư 325 tỷ đồng. Tổng khối lượng giải phóng mặt bằng là 2,6ha đất cần phải thu hồi liên quan đến 128 trường hợp, hộ dân.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân sau giải phóng, năm 1976 cầu Long Kiểng bằng sắt được xây dựng dài hơn 100m, rộng 3m. Theo thời gian, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng lên, cây cầu thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc, quá tải. Dự án xây mới cầu Long Kiểng có vai trò thay thế cầu cũ, phục vụ việc lưu thông của người dân 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển.