Thành phố Hồ Chí Minh: Chọn phương án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn hình lá dừa nước
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ký quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn”.
Theo đó, phương án của Liên danh Chodai-Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam được chọn là phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Trong các bước tiếp theo, UBND Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý phương án thiết kế cần tập hợp thông tin, bám sát nội dung nhiệm vụ thiết kế, thể hiện kết nối phù hợp với các khu vực xung quanh.
Giai đoạn thiết kế chi tiết cần tuân thủ ý tưởng thiết kế và làm rõ hơn ý tưởng của phương án được chọn; đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn công trình, cảnh quan kiến trúc, tuân thủ pháp lý quy hoạch được phê duyệt.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Chí Minh cho biết, có 12 phương án thiết kế kiến trúc tham gia tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn”. Tư vấn tổ chức tuyển chọn là Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc (trực thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc) đã rút gọn 4 phương án tối ưu nhất, làm cơ sở xem xét phê duyệt đề xuất dự án đã lọt vào vòng 2.
Kết quả chấm điểm, Hội đồng tuyển chọn đã thống nhất chấm điểm phương án CDN01 của Liên danh Chodai-Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam cao nhất.
Phương án được chọn có kiến trúc thiết kế là hình lá dừa nước, được đánh giá tối ưu hệ thống cột dưới lòng sông và đưa hệ cột về gần bờ tạo tĩnh không dưới nước lớn, tránh va đập tốt.
Bên cạnh đó, phương án này cũng giải quyết các hệ cột trên mặt cầu do có khoảng vượt lớn, nên tầm nhìn người đi bộ trên cầu rất thông thoáng. Thác nước tuần hoàn trong phương án thiết kế hình dừa nước rất phù hợp với thiết kế quảng trường trung tâm Thủ Thiêm.
Đồng thời, về hình thức kiến trúc là phương án độc đáo ấn tượng chưa trùng lặp, giản dị, có sức hút cho người dân và khách du lịch khi đến Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, suất đầu tư khả thi, đưa ra có cơ sở chính xác.
Được biết, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có vị trí xây dựng ở giữa cầu Ba Son và hầm sông Sài Gòn, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức với quận 1.