Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 10/10, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ 23 do Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chủ trì.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023; Dự thảo Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố về Kế hoạch tổng thể phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn Thành phố sau ngày 15/9/2021 và một số nội dung quan trọng khác.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, sau Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố lần thứ 21 khóa XII, Thành phố đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chính trị và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung quán triệt triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cùng các nhiệm vụ, giải pháp của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đề ra.
Bí thư Nên thông tin, tăng trưởng kinh tế tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 9 tháng năm 2023, quý sau tăng cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I tăng 0,7%; quý II tăng 5,87%; quý III 6,74%. Trong 9 tháng năm 2023, GRDP của Thành phố ước tăng hơn 4,57%.
Đối với các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục y tế, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, chuyển đổi số gắn với thực hiện chủ đề năm đặt nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kết quả ngày càng tốt hơn trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Nên cũng nhìn nhận nhiều chỉ tiêu chủ yếu còn thấp. Trong đó, thu ngân sách, giải ngân đầu tư công, xuất khẩu… còn nhiều vướng mắc tồn đọng cũng như có phát sinh mới nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời. Hiện nhiều doanh nghiệp chưa vượt qua được khó khăn thử thách.
Từ đó, người đứng đầu Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị nghiên cứu, tập trung thảo luận, đánh giá xác đáng những mặt làm được và chưa được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của tình hình trên. Đồng thời, dự báo những khó khăn, thử thách, rủi ro sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Đặc biệt, Hội nghị cần tập trung thảo luận đưa ra các giải pháp cụ thể đủ mạnh, khả thi để tạo chuyển biến tình hình và đạt kết quả 3 tháng cuối năm.
Cùng với đó, đề xuất xây dựng các nhóm giải pháp để chuẩn bị cho năm 2024 để tăng tốc, chuẩn bị hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố đề ra và các nhiệm vụ trọng tâm khác.
Bí thư Nên lưu ý, trong thảo luận cần chú trọng đánh giá tình hình những tác động có liên quan đến kinh tế - xã hội của Thành phố đối với 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp: Ban hành chế độ chính sách thu hút đãi ngộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; ổn định thị trường lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khẩn trương tháo gỡ những rào cản vướng mắc, tập trung giải quyết vấn đề nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân; đẩy mạnh thực chất chuyển đổi số, kinh tế số; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tiếp tục củng cố, đổi mới và phát triển hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội, nhanh chóng bổ sung nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững; quan tâm chỉnh trang đô thị gắn với phục dựng, hoàn thiện các công trình di tích văn hóa lịch sử, đi đôi với đầu tư xây dựng đời sống văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.