Thành phố Hồ Chí Minh: 74.000 phòng cho thuê chưa đạt tiêu chuẩn diện tích tối thiểu
Tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề “Cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cho biết, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có gần 60.000 công trình nhà cho thuê với hơn 629.000 phòng cho thuê.
Trong đó, có hơn 555.000 phòng đáp ứng được tiêu chuẩn, khoảng hơn 74.000 phòng chưa đạt tiêu chuẩn với khoảng 185.000 người đang ở. Số lượng phòng chưa đạt chuẩn chủ yếu tập trung ở quận 7, 12, Tân Phú, Bình Tân và thành phố Thủ Đức…
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, khi biên soạn Đề án, Sở Xây dựng nhận thấy có sự tác động, ảnh hưởng rất lớn đối với nhóm đối tượng thuê để ở có diện tích bình quân dưới 4m2 sàn/người. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo sự an toàn cần thiết, tối thiểu cho người thuê trọ và tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất đối với người thuê ở trọ theo mục tiêu của Đề án đã đề ra, việc triển khai thực hiện Đề án là việc làm cấp thiết trong tình hình hiện nay với các tiêu chí an toàn cần thiết tối thiểu.
Đối với các trường hợp không đạt chuẩn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở Xây dựng yêu cầu các chủ nhà trọ cải tạo, sửa chữa để đảm bảo tiêu chí. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan liên quan khi thực hiện các biện pháp xử lý không áp dụng biện pháp cực đoan như tháo dỡ, đóng cửa, tránh gây xáo trộn đời sống dân cư.
Thông tin về tình hình vi phạm xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Ngọc Hải cho biết, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, bình quân số vụ vi phạm về trật tự xây dựng đã giảm hơn 80%. Theo đó, bình quân 1,7 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày so với trước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng, không để phát sinh các điểm nóng. Việc cưỡng chế xử lý vi phạm trật tự xây dựng hiện còn một số khó khăn trong áp dụng quy định pháp luật vào thực tiễn. Như biện pháp cắt điện, cắt nước được đánh giá là hiệu quả nhưng vẫn chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Trong thực tế việc vận động các cá nhân, tổ chức vi phạm khắc phục còn khó khăn.
Thời gian tới, Sở Xây dựng đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, đề xuất ngưng cung cấp điện, nước với các công trình vi phạm. Đồng thời, đề xuất tăng mức phạt trong lĩnh vực vi phạm xây dựng nhằm tăng cường ý thức chấp hành quy định về quản lý trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng và các quận, huyện, thành phố Thủ Đức; Xây dựng ứng dụng “Sở Xây dựng trực tuyến - App mobile SXD247”; phối hợp UBND các quận, huyện rà soát, thống kê dữ liệu dùng chung đối với các dự án nhà ở trên địa bàn Thành phố; triển khai, gắn mã “QR code” trên giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Huỳnh Cao Cường cho biết, thời gian qua, UBND huyện tăng cường chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh thực hiện công tác tuần tra, giám sát hàng ngày và xử lý công trình vi phạm ngay từ đầu đối với hành vi sai phạm trong sử dụng đất đai và trong xây dựng; kết hợp cả xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tái vi phạm, vi phạm nghiêm trọng nếu đủ điều kiện theo quy định pháp luật;
Theo ông Huỳnh Cao Cường, từ sau khi ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đến hết tháng 8/2024, UBND huyện Bình Chánh đã xem xét, xử lý kỷ luật 48 cán bộ, công chức liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng. Theo đó, 33 khiển trách, 9 cảnh cáo, 4 hạ bậc lương, 2 buộc thôi việc.