0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 03/07/2024 13:33 (GMT+7)

Thanh Hóa: Vì sao dự án đường bộ nghìn tỷ nguy cơ chậm tiến độ bàn giao?

Theo dõi KT&TD trên

Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa có chiều dài 23,72km, khi đi vào vận hành sẽ là động lực cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, toàn vùng nói chung. Tuy vậy, trong quá trình thi công, nhiều hạng mục xây dựng tại dự án này đang chậm tiến độ nghiêm trọng.

Thanh Hóa: Vì sao dự án đường bộ nghìn tỷ nguy cơ chậm tiến độ bàn giao?
Dự án đường bộ nghìn tỷ nguy cơ chậm tiến độ bàn giao.

Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa có quy mô đầu tư xây dựng 23,72km đường giao thông cấp III đồng bằng, qua địa bàn các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, với tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng. Dự án này gồm 2 gói thầu xây lắp với tổng giá trị hơn 1.514 tỷ đồng, gồm gói thầu số 05 hơn 587 tỷ đồng, gói thầu số 06 hơn 927 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ tháng 12/2021, cần hoàn thành trước ngày 30/9/2024, theo tiến độ hợp đồng.

Mặc dù tuyến đường trọng điểm này đã được lập tiến độ sát sao, thi công đúng thời điểm, nhưng tới nay, cận thời điểm bàn giao, dự án vẫn còn dang dở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân xung quanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Thanh Hóa: Vì sao dự án đường bộ nghìn tỷ nguy cơ chậm tiến độ bàn giao?
Nhiều hạng mục xây dựng tại dự án này đang chậm tiến độ nghiêm trọng.

Hơn 2 năm qua, nhiều hộ dân sống gần tuyến đường này phải mua bạt về phủ kín phía trước cửa nhà để ngăn bụi. “Chúng tôi rất bức xúc, khi tuyến đường thi công chậm tiến độ, không thể bàn giao trong năm nay. Điều này dẫn đến việc khu vực xung quanh bị ô nhiễm môi trường, lưu lượng xe tải trọng lớn tiếp tục lưu thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông. Đề nghị chính quyền địa phương đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để có thể thuận lợi hơn trong việc đi lại”, một người dân sống tại huyện Hoằng Hóa cho biết.

Báo cáo tình hình thực hiện Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa của Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa cho thấy, đến nay, các địa phương tuyến đường đi qua đã hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao 100% mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Tuy nhiên, tổng giá trị thi công xây lắp dự án đến nay chỉ hơn 929 tỷ đồng, chậm so với hợp đồng 25%. Trong đó, giá trị phần cầu là hơn 769 tỷ đồng, đạt 88%, đáp ứng tiến độ; giá trị phần đường là hơn 159 tỷ đồng, đạt 27,8%, chậm tiến độ hợp đồng 61,3%. Giá trị thực hiện dự án từ đầu năm 2024 đến nay 85,10 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Bá Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa cho biết: “Dự án chậm tiến độ là do thiếu nguồn vật liệu san lấp, đơn vị thi công phải vận chuyển từ mỏ có vị trí rất xa công trình. Để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu, đôn đốc các nhà thầu thi công tăng cường thiết bị, vật liệu, nhân công, bổ sung thêm mũi thi công”.

Thanh Hóa: Vì sao dự án đường bộ nghìn tỷ nguy cơ chậm tiến độ bàn giao?
Khu vực xung quanh công trình bị ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.

Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi đã bị cảnh cáo 2 lần tại các Văn bản số 6544/SGTVT-TĐKHKTngày 06/12/2022 và văn bản số 3798/SGTVT-TĐKHKT ngày 03/7/2023; Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung đã bị cảnh cáo 1 lần tại Văn bản số 3788/SGTVT-TĐKHKT ngày 03/7/2023; Công ty Cổ phần xây dựng đô thị Hồng Anh (nhà thầu phụ thi công cầu Mỹ Liên) đã bị cảnh cáo 1 lần tại Văn bản số 6547/SGTVT-TĐKHKT ngày 06/12/2022; Công ty TNHH MTV Minh Đăng đã bị cảnh cáo 1 lần tại Văn bản số 1224/SGTVT-TĐKHKT ngày 10/3/2023 và chấm dứt hợp đồng tại Văn bản số 1598/SGTVT-KHTC ngày 27/3/2023.

Trên cơ sở tiến độ thi công do nhà thầu lập theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm, tại Thông báo kết luận số 122/TB-UBND ngày 17/6/2024 và được Sở Giao thông vận tải phê duyệt, Ban sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm soát và đánh giá tiến độ thực tế của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung trong 2 tháng tiếp theo. Nếu nhà thầu nào chậm tiến độ so với tiến độ điều chỉnh được phê duyệt (không vì bất kỳ lý do nào), trước ngày 25/8/2024, Ban sẽ báo cáo Sở Giao thông vận tải để xem xét tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh cho phép chấm dứt hợp đồng.

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Vì sao dự án đường bộ nghìn tỷ nguy cơ chậm tiến độ bàn giao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Đầu tư công cho cao tốc Quy Nhơn - Pleiku: Giải pháp tài chính bền vững?
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang trở thành tâm điểm chú ý với đề xuất chuyển từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Quyết định này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính bền vững tài chính và hiệu quả của phương án đầu tư công trong việc triển khai các dự án giao thông
Đề xuất chuyển Cục Đường cao tốc Việt Nam thành Cục Quản lý công tư
Bộ Giao thông vận tải đề xuất đổi tên Cục Đường cao tốc Việt Nam thành Cục Quản lý công tư, đồng thời kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ của Cục này để bảo đảm bao quát toàn bộ các nhiệm vụ về đầu tư theo hình thức PPP cho phù hợp với pháp luật hiện hành, bối cảnh hiện tại và xu hướng tương lai.

Tin mới

Đầu tư công cho cao tốc Quy Nhơn - Pleiku: Giải pháp tài chính bền vững?
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang trở thành tâm điểm chú ý với đề xuất chuyển từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Quyết định này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính bền vững tài chính và hiệu quả của phương án đầu tư công trong việc triển khai các dự án giao thông
Giá vàng đắt nhất lịch sử: Thị trường nhiều ẩn số, cẩn trọng khi đầu cơ
Cùng với triển vọng tăng giá của vàng thế giới, giá vàng trong nước tuần qua cũng đã có nhiều phiên bật tăng và chinh phục mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, người mua vẫn phải đối mặt với rủi ro trong một thị trường vàng còn nhiều "ẩn số".
Nestlé hỗ trợ sản phẩm thực phẩm và dinh dưỡng cho các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ
Trước những thiệt hại nặng nề mà bão số 3 (Yagi) gây ra tại các tỉnh miền Bắc vào đầu tháng 9/2024, Nestlé Việt Nam đã nhanh chóng huy động các nguồn lực của công ty cũng như cán bộ nhân viên để kịp thời chung tay với các cùng các đối tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Liên danh 3 nhà thầu trúng gói thầu xây lắp 156 tỷ đồng tái định cư sân bay Long Thành
Gói thầu số 57 là gói thầu xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông, cung cấp và lắp đặt thiết bị của Dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn (thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành).