Thanh Hóa: Phương án một đằng, thực hiện một nẻo, công trình sai phạm vẫn ngang nhiên hoạt động
Sau 6 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) yêu cầu khắc phục sai phạm trong việc sử dụng đất, ông Phạm Văn Tuất vẫn chưa chấp hành, xưởng bóc gỗ keo vẫn ngang nhiên hoạt động.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 29/5/2023, Tổ công công tác của UBND huyện Thường Xuân gồm: Ông Đỗ Đình Minh - Trưởng phòng TN&MT (tổ trưởng); ông Lang Văn Huy - Phó trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng (tổ phó); ông Vi Văn Huynh - Phó trưởng phòng NN&PTNT (tổ phó); ông Đinh Viết Tuấn - Đội phó Đội CSĐTTTP về Kinh tế Môi trường, Công an huyện Thường Xuân (tổ viên) cùng đại diện chính quyền thị trấn Thường Xuân và các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản về việc kiểm tra hồ sơ, hiện trạng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và đề nghị chuyển quyền sử dụng đất đối với ông Hà Văn Tuất tại khu phố Xuân Quang, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Hồ sơ kiểm tra gồm có: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSĐ) số BL 134726, cấp ngày 15/12/2010; GCNQSDĐ số AC 085504, cấp ngày 13/10/2006. Qua kiểm tra cho thấy hộ ông Hà Văn Tuất được UBND huyện Thường Xuân cấp GCNQSDĐ số BL 134726, cấp ngày 15/12/2010 tại thửa đất số 259, tờ bản đồ số 37, bản đồ địa chính xã Xuân Cẩm (nay là khu phố Xuân Quang, thị trấn Thường Xuân), diện tích sử dụng 17239,9m2 đất trồng cây hàng năm và GCNQSDĐ số AC 085504, cấp ngày 13/10/2006, tại thửa đất số 433, tờ bản đồ số 5, bản đồ địa chính xã Xuân Cẩm (nay là khu phố Xuân Quang, thị trấn Thường Xuân), diện tích 2250m2, trong đó đất ở 400m2, đất trồng cây lâu năm 1850m2.
Tuy nhiên, ngày 01/01/2023 hộ ông Hà Văn Tuất đã làm hợp đồng cho thuê đất với bà Phạm Thị Loan với mức giá thuê 50.000.000đ/năm cho 03 năm đầu và 03 năm tiếp theo sẽ tăng thêm 10% so với năm trước để làm nhà xưởng phơi, bóc gỗ keo. Qua kết quả đo đạc vị trí thuê đất của Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thường Xuân cho thấy, khu vực xây dựng nhà xưởng cụ thể như sau: Nhà để ở cho công nhân 158 m2; nhà xưởng 563,1m2; sân phơi 5563,2m2; trạm cân điện tử 38,3m2.
Về nguồn gốc đất: Các hạng mục nhà ở công nhân, nhà xưởng và trạm cân điện tử nằm tại thửa 257, tờ bản đồ số 37, bản đồ địa chính xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn Thường Xuân), 03 hạng mục trên nằm trên phần đất ở nông thôn và đất trồng cây hàng năm, GCNQSDĐ số AC 085504, cấp ngày 13/10/2006; vị trí sân phơi nằm trong phần đất trồng cây hàng năm, GCNQSDĐ số BL 134726. Các công trình xây dựng tại thời điểm kiểm tra chưa được UBND huyện Thường Xuân cấp Giấy phép xây dựng.
Công trình sai phạm vẫn ngang nhiên hoạt động.
Trước đó vào năm 2022, ông Hà Văn Tuất có làm đơn xin UBND tỉnh Thanh Hoá để được hạ thấp độ cao tạo mặt bằng xây dựng nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm. Ngày 9/8/2022, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Văn bản số 11667/UBND-CN về việc cho phép Công ty xây dựng và vận tải Tân Xuân tận thu khối lượng đất thừa trong quá trình thi công phương án hạ thấp độ cao tạo mặt bằng xây dựng nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm tại khu phố Xuân Quang, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân.
Phương án phê duyệt là vậy, tuy nhiên sau khi thực hiện xong việc hạ thấp độ cao, ông Hà Văn Tuất đã không thực hiện việc xây dựng nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm như đã phê duyệt mà lại tiến hành hợp đồng cho thuê đất để xây dựng nhà xưởng bóc gỗ keo, trái với quy định của pháp luật. Thời điểm kiểm tra lập biên bản, tổ công tác của UBND huyện Thường Xuân cũng đã yêu cầu ông Hà Văn Tuất chấp hành nghiêm chỉnh theo đúng phương án hạ thấp độ cao, tạo mặt bằng xây dựng nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm, đồng thời tiến hành tháo dỡ các công trình vi phạm, trả lại mặt bằng theo đúng quy định.
Về phía ông Hà Văn Tuất cũng đã nhận thức được việc sử dụng đất sai quy định và xin chấp hành các quy định của các cấp chính quyền và pháp luật. Song, theo ghi nhận của phóng viên, cho đến nay mặc dù đã 6 tháng trôi qua công trình vẫn ngang nhiên tồn tại. Ông Hà Văn Tuất chưa thực hiện việc xây dựng nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm, đồng thời cũng chưa tiến hành tháo dỡ các công trình vi phạm, trả lại mặt bằng theo đúng quy định.
Thời điểm phóng viên tác nghiệp, mọi hoạt động của xưởng bóc gỗ keo vẫn diễn ra bình thường, tiếng máy chạy inh tai nhức óc với khoảng gần chục lao động đang mệt mài làm việc. Sân phơi ván bóc rộng hàng nghìn mét vuông vẫn đầy ắp hàng và nguyên liệu sản xuất.
Huyện Thường Xuân liệu đã quyết liệt trong xử lý vi phạm?
Cùng với việc kiểm tra hồ sơ, hiện trạng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và đề nghị chuyển quyền sử dụng đất, Tổ công tác của UBND huyện Thường Xuân cũng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác đối với ông Hà Văn Tuất vào ngày 02/6/2023. Biên bản số 01/BB-VPHC nêu rõ: “Ông Hà Văn Tuất đã có hành vi vi phạm hành chính sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Biên bản còn khẳng định việc chuyển đất nông nghiệp sang mục đích sản xuất kinh doanh của ông Hà Văn Tuất là trái với quy định của pháp luật. Về phía ông Hà Văn Tuất đã nhận thức được sai phạm và xin chấp hành các quy định của pháp luật.
Căn cứ vào những quy định của pháp luật và trên cơ sở những sai phạm đã nêu, ngày 05/6/2023, UBND huyện Thường Xuân đã ra Quyết định số 1042/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo quyết định xử phạt, ông Hà Văn Tuất đã bị UBND huyện Thường Xuân phạt 31.000.000đ và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
Nằm đối diện thửa đất ông Hà Văn Tuất là thửa đất của bà Lê Thị Tẩm. Theo hồ sơ kiểm tra của Tổ công tác huyện Thường Xuân cùng thời điểm, bà Lê Thị Tẩm được UBND huyện Thường Xuân cấp GCNQSDĐ số BE 134963 ngày 15/12/2010, tại thửa đất số 254, tờ bản đồ số 37 bản đồ địa chính xã Xuân Cẩm (nay là Thị Trấn Thường Xuân), diện tích 14687,5m2, trong đó đất ở 2000m2, đất trồng cây lâu năm là 12687,5m2. Tuy nhiên ngày 01/02/2023, bà Lê Thị Tẩm cũng đã làm hợp đồng cho thuê đất với ông Nguyễn Văn Phú để làm xưởng phơi và bóc gỗ keo. Theo số liệu đo đạc của Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thường Xuân: Nhà xưởng dùng để bóc gỗ keo 281m2; trạm điện 100,8m2; sân phơi 4833,3m2. Về nguồn gốc đất: Nhà xưởng và trạm điện nằm tại thửa 254, tờ bản đồ số 37, bản đồ địa chính xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn Thường Xuân) là đất ở nông thôn, GCNQSDĐ số BE 134963, cấp ngày 15/12/2010; sân phơi nằm trong thửa 254, tờ bản đồ số 37, bản đồ địa chính xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn Thường Xuân) là đất ở nông thôn và cây lâu năm, GCNQSDĐ số BE 134963, ngày cấp 15/12/2010. Các công trình tại thời điểm kiểm tra chưa được UBND huyện Thường Xuân cấp Giấy phép xây dựng.
Tổ công tác cũng yêu cầu bà Lê Thị Tẩm buộc đơn vị thuê đất tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, trả lại mặt bằng, bởi việc gia đình bà dùng quyền sở hữu đất ở nông thôn và trồng cây lâu năm cho cá nhân khác thuê để xây dựng nhà xưởng, trạm điện, tiến hành sản xuất ván bóc từ gỗ keo là trái với quy định. UBND huyện Thường Xuân đã xử phạt bà Lê Thị Tẩm 30.000.000đ vì đã thực hiện hành vi vi phạm chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
Tuy vậy, thời điểm phóng viên tác nghiệp, mọi hoạt động sản xuất của xưởng bóc gỗ keo trên phần đất nói trên của bà Lê Thị Tẩm cũng vẫn đang diễn ra bình thường. Trả lời về câu hỏi của phóng viên về những vướng mắc và sự chậm trễ đối với việc xử lý sai phạm trong suốt 6 tháng qua tại hai hộ gia đình nói trên, ông Nguyễn Ngọc Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: “Xảy ra tình trạng trên là do các hộ dân không tự giác chấp hành và huyện đang cho các ngành nghiên cứu phương án cưỡng chế. Lần này địa phườn sẽ làm quyết liệt vì tỉnh đã chỉ đạo”.
Trong khi đó ông Lê Tiến Long, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân lý giải: “Lý do đến nay các hộ chưa thực hiện là vì việc chấp hành của họ chưa nghiêm túc, thời gian tới sẽ phải làm bằng được vì huyện đang thành lập đoàn để vào yêu cầu các hộ thực hiện và thị trấn sẽ phải cưỡng chế, không thể để vi phạm chồng vi phạm được”.
Qua đây có thể thấy, mặc dù lần này huyện Thường Xuân đang thể hiện sự cương quyết trong xử lý những sai phạm nói trên, song trong suốt 6 tháng qua liệu địa phương này đã quyết liệt? Điều gì khiến những vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại?
Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin về kết quả xử lý sai phạm nêu trên trong quá trình UBND huyện Thường Xuân tổ chức thực hiện.
Đình Đông