0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 10/05/2023 11:13 (GMT+7)

Thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi: Nhiều góp ý quan trọng

Theo dõi KT&TD trên

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6 để thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu.

Nhiều điều chỉnh quan trọng

Chiều 9/5, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6 về nội dung thẩm tra dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy đồng chủ trì Phiên họp.

Tham dự Phiên họp còn có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy viên của Ủy ban cùng đại diện Hội đồng Dân tộc, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng Lê Công Thành cùng một số Bộ, ngành liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học...

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, thực hiện chương trình công tác năm 2023 và chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6 để thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu.

Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng Lê Công Thành cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi: Nhiều góp ý quan trọng - Ảnh 1
Toàn cảnh phiên họp.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị, định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước; một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.

Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ; một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước,…

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bám sát vào 04 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.

“Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật không bổ sung chính sách mới. Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi gồm 83 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều”, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, để phục vụ việc thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức các đợt khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm tham vấn chuyên gia, nhà khoa học; lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về nội dung dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Qua tổng hợp các ý kiến góp ý cho thấy, việc sửa đổi Luật tài nguyên nước là cần thiết, giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh cần tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước và yêu cầu hội nhập quốc tế trong quản lý tài nguyên nước.

“Nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để quản lý toàn diện các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước. Với phạm vi điều chỉnh như vậy thì tên gọi Luật Tài nguyên nước là phù hợp, với hàm ý nhằm nâng cao nhận thức về nước là tài nguyên quan trọng thiết yếu, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý, cần phải được sử dụng một cách bền vững, tiết kiệm, hiệu quả”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh.

Góp ý từ các Đại biểu Quốc hội

Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương bày tỏ thống nhất với ý kiến của cơ quan thẩm tra. Theo đó, rất nhiều ý kiến góp ý đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, đưa vào dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Đề cập về sự thống nhất giữa quy hoạch cấp tỉnh với quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, cần xem xét trường hợp khi Luật này ban hành, có sự khác nhau giữa các quy định mới và các quy hoạch đã xây dựng theo Luật Quy hoạch. Về dòng chảy tối thiểu, cần xem xét các nguồn nước từ ngoại tỉnh, từ nước ngoài hoặc bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu dẫn đến không thể đảm bảo dòng chảy tối thiểu thì phải làm thế nào. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn khái niệm và nội dung khai thác, sử dụng nước tiết kiệm.

Cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ băn khoăn về việc các địa phương thực hiện quy hoạch về nước khi quy hoạch cấp tỉnh được đề cập trước. Để tránh việc các địa phương phải “chạy đua” với quy hoạch nước gấp rút với quy hoạch cấp tỉnh, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần xem xét kỹ lưỡng đến nội dung thống nhất giữa quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh với quy hoạch tài nguyên nước quốc gia hoặc có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng góp ý, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) mới đề cập đến nguồn nước tự nhiên, chưa quan tâm đến nguồn nước tái tạo, do vậy, cơ quan soạn thảo cần xem xét bổ sung nội dung này để đảm bảo tính toàn diện. Bên cạnh đó, cần bổ sung, làm rõ thêm các tiêu chí để xác định chức năng nguồn nước; làm rõ hơn các mục đích khai thác, sử dụng, nêu rõ điều kiện nào thì phải cấp phép, cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép.

Thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi: Nhiều góp ý quan trọng - Ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành giải trình những vấn đề các đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục rà soát các luật liên quan trực tiếp đến Luật Tài nguyên nước để tránh mâu thuẫn, không thống nhất. Ngoài ra, liên quan đến đảm bảo an ninh nguồn nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm các Bộ ngành, cơ quan đối với vấn đề này.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với việc hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); đồng thời khẳng định dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023.

Để dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình lên Quốc hội xem xét, cho ý kiến đạt chất lượng tốt nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ ngành liên quan tiếp thu ý kiến tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời chỉ đạo Tiểu ban Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập hợp các ý kiến, đề xuất của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội phục vụ cho việc hoàn thiện báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật này để trình Quốc hội đóng góp ý kiến trong Kỳ họp thứ 5 tới.

PV

Bạn đang đọc bài viết Thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi: Nhiều góp ý quan trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người dân và du khách Nha Trang hào hứng trải nghiệm buýt điện VinBus
Xe buýt điện VinBus xuất hiện ở thành phố biển Nha Trang đã thu hút hàng ngàn người dân, du khách trải nghiệm. Bên cạnh ưu điểm êm ái, không tiếng ồn, thân thiện với môi trường, những chuyến xe xanh còn nhận được nhiều phản hồi tích cực về dịch vụ và các tính năng công nghệ nổi bật.
Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.

Tin mới

Trà xanh: Bí ẩn từ sắc xanh đến hương vị
Màu xanh của trà xanh không chỉ là dấu ấn đặc trưng mà còn phản ánh chất lượng và giá trị dinh dưỡng. Từ sắc tố diệp lục đến kỹ thuật chế biến, bài viết sẽ khám phá nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng, giúp bạn hiểu rõ hơn về loại trà tuyệt vời này.
Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng thị trường khởi sắc trong năm 2025
Sau giai đoạn khó khăn kéo dài, doanh nghiệp BĐS đang đặt nhiều kỳ vọng vào một chu kỳ hồi phục mới trong năm 2025, những tín hiệu tích cực từ chính Hỗ trợ sách của phủ Chính, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và nhu cầu gia tăng về nhà ở và văn phòng cho thuê đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp.
Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động
Từ đầu tháng 11 tới nay đã có 14 ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn, bao gồm Eximbank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, Indovina, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank.
Nhà giá rẻ "mất hút" trên thị trường bất động sản Hà Nội
Báo cáo mới đây của OneHousing cho biết, thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới, tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì)...
Lãi suất tiết kiệm tăng trở lại vào dịp cuối năm
Cuối năm là thời điểm các ngân hàng thường đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn vốn. Năm nay, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm đã quay trở lại sau một thời gian dài lãi suất thấp, mang đến cơ sở hấp dẫn cho những ai đang tìm kiếm kênh đầu tư an toàn.
Trái phiếu xanh: 'Cuộc chơi' đang nóng dần lên
Theo các chuyên gia FiinRatings, thị trường trái phiếu xanh đã sôi động trở lại trong 10 tháng năm 2024. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp các thị trường trái phiếu xanh khác trong khu vực, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho kênh huy động vốn này.