0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 18/03/2023 06:42 (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Theo dõi KT&TD trên

Trong chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 21, chiều 17/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp xem xét, cho ý kiến đối với Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đề cập đến sự cần thiết xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Sau 8 năm thi hành, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở, đã cụ thể hóa các chính sách liên quan đến lĩnh vực nhà ở như sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, quản lý Nhà nước về nhà ở.

Đặc biệt là chính sách nhà ở xã hội đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội, góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, đa dạng hóa nguồn cung nhà ở, giúp cho hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở, trong đó có người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị có điều kiện tạo lập chỗ ở hợp pháp, ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật về nhà ở cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được xem xét trong quá trình xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) để thay thế cho Luật Nhà ở năm 2014.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chia sẻ quan điểm xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Thứ nhất, dự án Luật bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” và các đường lối, chủ trương của Đảng có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các nội dung về quản lý và phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội.

Dự án Luật đảm bảo tính kế thừa, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật về nhà ở đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014.

Thứ hai, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến nhà ở như đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, tín dụng...

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Thứ tư, luật hóa các quy định liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở đang được quy định trong các văn bản dưới Luật đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn.

Đề cập nội dung cơ bản của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương, 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng 13 Điều; bãi bỏ 7 Điều, giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều.

Trong đó, Chương I - Những quy định chung, gồm 07 Điều, từ Điều 1 - Điều 7, dự án Luật bổ sung các khái niệm mới; Bổ sung mới các hành vi bị nghiêm cấm; Sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc tiền mua nhà ở trả trước cho phát triển nhà ở; Luật hóa một số hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư được quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên Luật; Bổ sung quy định về áp dụng Luật Nhà ở (sửa đổi) và các luật khác có liên quan; Quy định về chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; Yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở.

Chương II - Sở hữu nhà ở (19 Điều, từ Điều 8 - Điều 26), dự án Luật gồm quy định chung về sở hữu; Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; Sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài; Sở hữu nhà chung cư.

Dự án luật kế thừa các quy định của Luật hiện hành và sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung (luật hóa các quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên Luật) như: điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở; quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở; các loại nhà ở và cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài…

Chương II đồng thời bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư, bao gồm quy định xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư; Các trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ; Xử lý nhà chung cư khi bị phá dỡ; Quyền và trách nhiệm chủ sở hữu sau khi nhà chung cư bị phá dỡ.

Chương III - Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh (7 Điều, từ Điều 27 - Điều 33), gộp một số Điều về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tại các chương khác nhau của Luật Nhà ở 2014 đồng thời luật hóa một số nội dung từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP lên Luật.

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung như căn cứ xây dựng, nội dung Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Kỳ xây dựng Chiến lược và thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Căn cứ, yêu cầu xây dựng, nội dung Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; Xây dựng, điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; Xây dựng, điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 17/3.

Chương IV - Phát triển nhà ở (28 Điều, từ Điều 34 - Điều 61), sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Nhà ở 2014 (trong đó có luật hóa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên Luật) như: Phát triển nhà ở; Phát triển nhà ở thương mại; Phát triển nhà ở công vụ; Phát triển nhà ở phục vụ tái định cư; Trách nhiệm quản lý chất lượng nhà ở; Thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại…

Bổ sung một số quy định theo hướng luật hóa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên Luật và hợp nhất một số nội dung từ các quy định của pháp luật liên quan như quá trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở, yêu cầu trong phát triển dự án xây dựng nhà ở...

Chương V - Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (11 Điều, từ Điều 62 - Điều 72), luật hóa một số quy định từ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP lên Luật để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao hơn, bảo đảm sự đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật như nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Quy hoạch khu vực cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; Các hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Các cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…

Chương VI - Chính sách về nhà ở xã hội (37 Điều, từ Điều 73 - Điều 109), sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về đối tượng, hình thức và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội (NƠXH); Loại hình dự án đầu tư xây dựng NƠXH; loại NƠXH; đất để xây dựng NƠXH; lựa chọn và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NƠXH không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê NƠXH.

Chương này cũng bổ sung thêm các quy định về hình thức phát triển NƠXH; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH; xác định giá bán NƠXH do Nhà nước đầu tư; thời điểm thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NƠXH; trách nhiệm của Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương.

Chương VI cũng bổ sung mới các quy định (02 mục mới) về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Chương VII - Tài chính cho phát triển nhà ở (6 Điều, từ Điều 110 - Điều 115), sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành (trong đó có luật hóa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên Luật) như: Các nguồn vốn phục vụ cho phát triển nhà ở; Nguyên tắc huy động, sử dụng nguồn vốn cho phát triển nhà ở; Vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH để phát triển NƠXH.

Bổ sung mới một số quy định như: nguồn vốn của Nhà nước để phục vụ cho phát triển nhà ở; hình thức huy động vốn để phát triển nhà ở.

Chương VIII - Quản lý, sử dụng nhà ở (24 Điều, từ Điều 116 - Điều 139), sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành (trong đó có luật hóa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên Luật) như: Lưu trữ và quản lý hồ sơ nhà ở; Quản lý, sử dụng nhà ở riêng lẻ trong dự án nhà ở; Quản lý, sử dụng nhà ở có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử; Quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (SHNN); Các trường hợp thu hồi, cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc SHNN; Các trường hợp nhà ở phải phá dỡ; yêu cầu khi phá dỡ nhà ở.

Bổ sung mới một số quy định như chuyển đổi công năng nhà ở; Lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Chương IX - Quản lý, sử dụng nhà chung cư (17 Điều, từ Điều 140 - Điều 156), quy định cụ thể hơn các nội dung như cách xác định diện tích khác trong nhà chung cư; Chỗ để xe của nhà chung cư; Hội nghị nhà chung cư; Ban quản trị nhà chung cư; Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; Kinh phí bảo trì phần sở hữu chung (việc quản lý, sử dụng, cưỡng chế bàn giao kinh phí); Việc bàn giao, khai thác, quản lý sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư.

Chương X - Giao dịch về nhà ở (31 Điều, từ Điều 157 - Điều 187), bỏ một số quy định của Luật Nhà ở 2014 ra khỏi dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tránh trùng lắp với quy định của Bộ luật Dân sự như: Quy định về cho thuê nhà ở thuộc sở hữu chung, thừa kế nhà ở, thế chấp nhà ở thuộc sở hữu chung, các trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Nhà ở 2014 (trong đó có việc luật hóa một số quy định của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên Luật) như: Hợp đồng về nhà ở; Giao dịch mua bán nhà ở; Xử lý đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn; Bên thế chấp và bên nhận thế chấp nhà ở; Thế chấp dự án nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai; Điều kiện thế chấp dự án nhà ở.

Chương XI - Quản lý Nhà nước về nhà ở (5 Điều, từ Điều 188 - Điều 192), sửa đổi, bổ sung nội dung quản lý nhà nước về nhà ở, về trách nhiệm của Bộ Xây dựng.

Chương XII - Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở (2 Điều, Điều 193 và Điều 194), bổ sung mới quy định về xử lý vi phạm trong giao dịch nhà ở xã hội trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở 2014 và bổ sung thêm quy định của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Chương XIII - Điều khoản thi hành gồm 02 Điều (Điều 195 và Điều 196) quy định về: Hiệu lực thi hành; quy định về xử lý chuyển tiếp.

Đánh giá nguồn lực thực hiện dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Với mục tiêu nêu trên, sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành, các cơ quan quản lý nhà ở vẫn tiếp tục thực hiện các quy định về phát triển và quản lý nhà ở đã được quy định trong Luật Nhà ở hiện hành mà không làm phát sinh về nhân lực, tài chính để triển khai thực hiện.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Với nhận định, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là luật quan trọng, tác động đến chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, tầm ảnh hưởng lớn đến đông đảo người dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Hiện hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Ngoài những vấn đề chung, báo cáo thẩm tra sơ bộ đề cập đến 6 nhóm vấn đề lớn, 5 nội dung liên quan đến tính thống nhất của dự thảo Luật và nhiều vấn đề khác.

Theo Chương trình của Quốc hội khóa XV, đối với Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Quốc hội dự kiến cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 cùng với Luật Đất Đai (sửa đổi).

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu cho ý kiến đến các nội dung như: Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội hay chưa? Phạm vi điều chỉnh của Luật; tính thống nhất của dự án Luật với chủ trương, đường lối của Đảng, các pháp luật có liên quan, các điều ước quốc tế; tính rõ ràng, cụ thể của văn bản pháp luật; đặc biệt là các vấn đề như thời hạn sở hữu nhà chung cư; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; chính sách phát triển nhà ở xã hội…

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người dân không mặn mà với việc vay vốn giá rẻ để mua nhà
Dù lãi suất cho vay mua nhà duy trì mức thấp suốt hơn 1 năm qua, nhưng nghịch lý là không có nhiều người dân lựa chọn vay ngân hàng để mua nhà. Thực tế là giá chung cư tại Hà Nội liên tục leo thang, lãi suất cho vay mua nhà lại ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.