Tăng cường xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên môi trường
Xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ môi trường an toàn, trong lành cho cộng đồng xã hội.
Qua kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện còn tồn tại, sai sót tại một số địa phương.
Khắc phục những tồn tại trong xử lý vi phạm hành chính
Thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là hoạt động nhằm xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ môi trường an toàn, trong lành cho cộng đồng xã hội.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xử lý trách nhiệm cá nhân không thực hiện trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện xử lý vi phạm hành chính để quá thời hiệu thi hành, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Theo thông tin mới đây cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông báo Kết luận số 13/KL-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2021 tại tỉnh Ninh Bình.
Báo cáo số 96/BC-UBND cho biết, năm 2021, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có tổng số 245 vụ vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó, có 181 vụ việc trong lĩnh vực đất đai; 58 vụ việc trong lĩnh vực môi trường và 06 vụ việc trong lĩnh vực khoáng sản. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường là 3.662.850.000 đồng, đã nộp cho ngân sách Nhà nước 3.413.350.000 đồng.
Trong năm 2021, tỉnh Ninh Bình không có vụ việc VPHC chuyển cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự, không có trường hợp vi phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chuyển để XPVPHC và không có vụ việc kiến nại, tố cáo về XPVPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Mặc dù, UBND tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên, công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nói chung và trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường vẫn còn một số tồn tại hạn chế: các điều kiện bảo đảm cho thi hành pháp luật về XLVPHC còn thiếu, khó khăn, đặc biệt là nguồn nhân lực, kinh phí và trang thiết bị kỹ thuật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chưa được thực hiện thường xuyên; một số địa phương chưa chủ động, quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thi hành pháp luật về XLVPHC, theo Bộ TN&MT cho hay.
Xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên và môi trường
Về áp dụng pháp luật về XLVPHC, theo Báo cáo số 96/BC-UBND, hiện vẫn còn 40/205 Quyết định XPVPHC (lĩnh vực đất đai với số tiền phải nộp là 172.500.000 đồng) chưa được thực hiện; trong đó 23/40 Quyết định hết thời hiệu thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật XLVPHC. Số Quyết định XPVPHC có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 212 Quyết định, số Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 2 Quyết định, tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chưa thực hiện hoặc không cung cấp thông tin về việc thực hiện.
Không ít trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt chưa quyết liệt thực hiện trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các Quyết định XPVPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật XLVPHC và không thực hiện các quy định về cưỡng chế thi hành Quyết định XPVPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại mục 3 Chương III Luật XLVPHC.
Một số trường hợp XPVPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cần xem xét lại về thẩm quyền, đặc biệt là Quyết định XPVPHC của Chủ tịch UBND cấp xã. Theo Phụ lục kèm theo Báo cáo số 96/BC-UBND, một số Quyết định XPVPHC của Chủ tịch UBND cấp xã trong lĩnh vực đất đai theo quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngoài hình thức xử phạt chính còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó, có những biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã (theo quy định tại Điều 52 Luật XLVPHC trường hợp này thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện). Qua kiểm tra theo xác suất 7 hồ sơ thuộc thẩm quyền XPVPHC của Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình và Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư trong năm 2021 cho thấy một số tồn tại, sai sót.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục quan tâm công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong thời gian tới; có các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, đặc biệt là tăng cường đôn đốc, theo dõi, thanh tra, kiểm tra và tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác XPVPHC; quan tâm bố trí nguồn lực, điều kiện cần thiết cho thi hành pháp luật về XLVPHC và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác XPVPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Về xử lý sai phạm trong áp dụng pháp luật về XLVPHC: Đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo kiểm tra, khắc phục các tồn tại, sai sót của các Quyết định XPVPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được ban hành trong năm 2021, đặc biệt là các Quyết định XPVPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền XPVPHC của Chủ tịch UBND cấp xã; xem xét, xử lý trách nhiệm người có thẩm quyền XPVPHC, người tham mưu cho người có thẩm quyền XPVPHC theo quy định của pháp luật trong trường hợp xử phạt không đúng thẩm quyền, không đúng, không đầy đủ các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo đôn đốc việc thực hiện các Quyết định XPVPHC chưa thực hiện còn thời hiệu thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật XLVPHC; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền, trách nhiệm đối với các trường hợp không thực hiện trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện để quá thời hiệu thi hành, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Về xử lý sai phạm trong XPVPHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình và Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện một số nội dung sau đây: Chỉ đạo rà soát toàn bộ hồ sơ XPVPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; trường hợp phát hiện có sai sót, khẩn trương thực hiện đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ theo quy định của pháp luật (bao gồm các hồ sơ đã được kiểm tra và các hồ sơ chưa được kiểm tra).
Huyền Diệu