Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu giảm tốc trong tháng 7
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tăng tốc mạnh từ mức 3,4% so với đầu năm vào cuối tháng 5 lên 6,0% vào cuối tháng 6. Nhưng đến ngày 17/7 đã ghi nhận giảm trở lại, chỉ còn 5,3%.
Cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển biến tích cực
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thụt lùi trong nửa đầu tháng 7 có thể có sự "chạy đua" quyết liệt trong giải ngân của các tổ chức tín dụng để đạt hạn mức tín dụng đề ra của kỳ bán niên, cũng như đảm bảo các chỉ tiêu kinh doanh "đẹp".
Bên cạnh đó, tín dụng tăng trở lại là do nhu cầu vốn đi theo sự phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tuy vậy, "Với một dòng tiền ồ ạt hàng trăm nghìn tỷ đổ ra trong cuối quý II, dĩ nhiên đà tăng trưởng tín dụng đầu tháng 7 sẽ chậm lại, chờ hấp thu hết nguồn vốn được cấp, cũng như chờ một nhịp phục hồi mới dài hơi và ổn định kéo đến quý III, đặc biệt quý IV", một chuyên gia nhận định.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá diễn biến này phù hợp với quy luật về xu hướng tăng trưởng tín dụng. Mức thay đổi trong thời gian cuối quý II là cao kỷ lục, vì vậy xu hướng giảm tốc trong tháng 7 nhiều khả năng sẽ mạnh hơn các năm trước.
Báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng dư nợ tích cực, nhưng có sự phân hóa khá mạnh. Điển hình tại Techcombank, dư nợ cho vay khách hàng đạt 592.083 tỷ đồng, tăng 14,2%; ACB ghi nhận tăng trưởng tín dụng 12,4%; LPBank tăng 15,2%, đạt 317.395 tỷ đồng; SeABank có tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 185.959 tỷ đồng; Vietbank cũng công bố tăng trưởng dư nợ đạt 10%, cao hơn bình quân hệ thống; NCB cho vay khách hàng đạt 64.198 tỷ đồng, tăng trưởng 16%; PGBank cho vay đạt 36.703 tỷ đồng, tăng 2,4%; BaoVietBank có quy mô tín dụng đạt 49.728 tỷ đồng, tăng trưởng 4,24%...
Theo nhận định của các chuyên gia, cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển biến tích cực. Dòng vốn tập trung vào một số ngành sản xuất phục hồi tốt như lâm thuỷ sản, nông nghiệp và sản xuất hàng xuất khẩu.
Xét theo lĩnh vực, theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến cuối tháng 5/2024, những ngành tăng trưởng cao hơn trung bình gồm có công nghiệp (tăng 5,6% so với cuối năm 2023) và thương mại (3,8%).
Đặc biệt, tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên có sự bứt phá. Ví dụ, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng 9,8% và công nghệ cao tăng 18,2%. Tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực bất động sản cũng cao hơn trung bình, đạt 4,6% vào cuối tháng 5. Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 10,3%, trong khi tín dụng dành cho bất động sản tiêu dùng chỉ nhích nhẹ 1,2%.
Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, nhu cầu về vốn sản xuất kinh doanh tăng sẽ kích thích tín dụng tăng trưởng tích cực hơn.
Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, NHNN đang điều chỉnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn, qua đó khơi thông dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên.
Nợ xấu gây áp lực với ngân hàng
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu tính đến cuối tháng 5-2024 tăng 0,39% so với cuối năm 2023, từ mức 4,55% lên 4,94%. Mặc dù chưa phải là con số đáng báo động, song nợ xấu đã gây áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng, cũng như toàn bộ nền kinh tế. Nhiều tổ chức cũng như chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nợ xấu chưa đáng ngại nhưng cũng không thể chủ quan.
Số liệu của Công ty cổ phần Chứng khoán VSDC cho thấy, xét về số tuyệt đối, nợ xấu nội bảng tăng thêm khoảng 75,9 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023, trong khi nợ nội bảng, tiềm ẩn và cơ cấu lại tăng khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tăng khá mạnh. Tổng giá trị nợ gốc và lãi đã tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023, lên 230,4 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt tính đến cuối tháng 6-2024.
Về xử lý nợ xấu, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống ngân hàng xử lý được 96,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ở mức cao, chiếm 48,9% tổng nợ xấu được xử lý.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu vẫn đang có xu hướng tăng và là thách thức đối với ngành Ngân hàng, cũng như nền kinh tế. “Có một số khoản nợ xấu do cán bộ tín dụng khi thẩm định không lường được khả năng trả nợ và rủi ro của khách hàng, nhưng về cơ bản nợ xấu là do những khó khăn chung của nền kinh tế khiến khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Chúng tôi muốn công khai, minh bạch vấn đề này để thấy được trách nhiệm chung của các bên trong việc xử lý nợ xấu, chứ không chỉ ngân hàng”, ông Đào Minh Tú nói.
Nếu nợ xấu là điểm trừ thì tăng trưởng tín dụng được coi là điểm cộng cho hệ thống ngân hàng. Sau quý I-2024 ảm đạm, tín dụng ngân hàng đã tăng trưởng trở lại trong quý II-2024. Trong gần nửa tháng 7-2024, tín dụng tăng trưởng, lên mức 6,4% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng toàn ngành dự kiến đạt khoảng 128.000 tỷ đồng, tăng 960 tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, diễn biến của tăng trưởng tín dụng phù hợp với quy luật nhiều năm trở lại đây.
Để xử lý nợ xấu, theo các chuyên gia, cần tăng khả năng mua bán nợ xấu theo giá thị trường cho VAMC. Ngân hàng Nhà nước đã công bố phương án tăng vốn cho VAMC lên 10.000 tỷ đồng và đang nghiên cứu sửa đổi thông tư về mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn. Bên cạnh đó, Luật Tổ chức tín dụng năm 2024 cũng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro của các ngân hàng thông qua các giới hạn, biện pháp thắt chặt. Điều này sẽ thúc đẩy các ngân hàng tăng cường quản trị rủi ro nội bộ, hoạt động cho vay và hỗ trợ chất lượng tài sản.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý tích cực, nhằm bảo đảm chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro cho an toàn ngân hàng. Những chính sách của Chính phủ thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và cải thiện dòng tiền của các doanh nghiệp.
Tiến Hoàng