Sửa Thông tư để tháo gỡ “rào cản” vay vốn tín dụng
Đó là đề xuất tại Công văn số 108/2023/CV-HoREA của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây.
Theo đó, HoREA đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN và Thông tư 08/2020/TT-NHNN nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản và người dân dễ dàng tiếp cận vay vốn tín dụng cũng như phát hành trái phiếu đảo nợ…
Tiếp cận tín dụng khó khăn hơn
Tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023, HoREA cho rằng, các quy định tại khoản 2 Điều 1 của thông tư này đã bổ sung thêm 4 trường hợp khách hàng có nhu cầu vốn không được cho vay tín dụng. Trong đó, có một số quy định chưa thật hợp lý, chưa sát thực tế, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với một số quy định pháp luật.
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, việc bổ sung thêm nhiều quy định cấm cho vay trong thông tư này như dựng thêm rào chắn, làm cho việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn so với trước đây, do đã quy định tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà tổ chức tín dụng không được cho vay.
Ông Châu nêu ra 3 bất cập của Thông tư số 06 gồm: Thứ nhất, khi quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.
Quy định này là không đúng, không phù hợp thực tế và không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Thứ hai là, quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
HoREA cho rằng, với các quy định trên đây của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Đầu tư 2020 thì việc cá nhân, pháp nhân góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh tại mọi giai đoạn thực hiện dự án đều hợp pháp.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét cho phép tổ chức tín dụng được cho vay để góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh và phải có tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về tín dụng.
Thứ ba, quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để bù đắp tài chính trừ trường hợp đáp ứng đủ 2 điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 10 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, nhưng tại điểm a khoản 10 Thông tư 39 quy định điều kiện các chi phí thực hiện dự án phải phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay chưa sát với thực tế triển khai dự án, nhất là trong tình trạng bị vướng mắc pháp lý hiện nay. Do vậy, theo HoREA nên quy định thời hạn dưới 36 tháng thì hợp lý hơn.
Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Tiếp đó, tại điểm d khoản 5 Điều 16 Thông tư số 22/2019/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN) quy định: Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình từ ngày 01/10/2023 là 30%.
Nhưng trong tình hình hiện nay, Hiệp hội nhận thấy rất cần thiết gia hạn áp dụng thêm 1 năm, kể từ ngày 01/10/2024 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh việc thực hiện hoạt động cấp tín dụng cho nền kinh tế trong thời gian tới, nhất là trong 05 tháng cuối năm 2023 với quy mô tín dụng hơn 1 triệu tỷ đồng để thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP của Chính phủ.
HoREA cũng đề nghị NHNN xem xét bãi bỏ điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.
Đồng thời, bổ sung Thông tư 03/2023/TT-NHNN để quy định cho phép các tổ chức tín dụng được xem xét từng trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2023/TT-NHNN, có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất được vay để tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn với khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành và tổ chức tín dụng được phép nhận thế chấp bằng chính trái phiếu này, có tài sản bảo đảm theo phương thức tổ chức tín dụng giải ngân trực tiếp đến các trái chủ.
Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại thì doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận đàm phán theo quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
“Nếu thực hiện cơ chế này thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ cho các trái chủ giúp cho thị trường bất động sản phục hồi trở lại theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững”, Chủ tịch HoREA nhận định.