Sửa đổi Luật Đấu thầu: Tăng cường minh bạch, phòng chống tham nhũng
Góp ý về dự án Luật Đấu thầu, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Đấu cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng, bởi nếu không cẩn trọng, thay vì khắc phục tiêu cực, luật mới có thể vô tình “hợp lý hoá sai phạm”, làm mất cán bộ, gây hậu quả ngược.
Chiều 17/5/2025, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu và các luật liên quan đến đầu tư công, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ bốn vấn đề rất nghiêm trọng đang tồn tại trong Luật Đấu thầu hiện hành: làm chậm tiến độ phát triển đất nước, hạ thấp chất lượng công trình, gây lãng phí nguồn lực và làm hư hỏng, mất cán bộ.
Đây không đơn thuần là những khiếm khuyết về mặt kỹ thuật pháp lý, mà là những điểm nghẽn thực sự của thể chế - cản trở sự vận hành hiệu quả của Nhà nước và sự phát triển của nền kinh tế.

Việc sửa đổi Luật Đấu thầu vì vậy không thể chỉ dừng ở mức điều chỉnh quy trình, mà phải được tiếp cận như một cuộc cải cách thể chế khẩn cấp - nhằm bảo đảm tính hiệu lực của chính sách công, khơi thông các nguồn lực phát triển và tăng cường niềm tin vào bộ máy công quyền.
Chiều nay (23/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội (Đoàn Quảng Nam) góp ý về dự án Luật Đấu thầu.
Đại biểu cho biết, trước đây nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã dùng phương án chỉ định thầu. Hiện tại dự thảo luật đã đề xuất cho phép chủ đầu tư căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện để áp dụng hình thức chọn nhà thầu.

Theo đại biểu, thẩm quyền này cần được cân nhắc kỹ hơn. Trước hết, đấu thầu là công cụ pháp lý để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu sao cho công bằng khách quan.
Đồng thời phải nâng cao, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công. Nó cũng giúp bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
Về giải pháp này, đại biểu cho biết theo giải trình của các cơ quan nhằm hai mục đích. Thứ nhất, rút ngắn thời gian nhanh gọn. Thứ hai là trách nhiệm của người đứng đầu.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, trong thực tiễn xử lý các sai phạm liên quan đến đấu thầu thời gian qua cho thấy, có vụ án nào xử lý chỉ dùng phương pháp chỉ định thầu hoặc làm sai thủ tục đấu thầu để rút ngắn thời gian đâu?
Đồng thời cũng không xử lý ai ngoài trách nhiệm người đứng đầu và những người có trách nhiệm liên quan. Thế nhưng thời gian qua có nhiều trường hợp lách luật, cố gắng làm sai quy định để đấu thầu, có tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Theo đại biểu, chính nguyên nhân này gây lúng túng trong quá trình thực hiện. Do đó, cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, quy định chặt chẽ trong dự thảo luật.
“Quy định chặt chẽ như trước còn xảy ra tiêu cực. Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng thì lại hợp lý hóa cho vấn đề phát sinh tiêu cực. Do đó tôi đề nghị nghiên cứu kỹ để không phải mất cán bộ”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Về sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung rõ thẩm quyền đấu thầu của UBND và Chủ tịch UBND các cấp để phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương theo hướng hai cấp.
Đại biểu cho rằng quy định hiện hành chỉ nêu chung chung “người có thẩm quyền”, “chủ đầu tư”, dễ gây lúng túng trong phân công và xác định trách nhiệm.
Đại biểu đề xuất quy định UBND cấp tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu trên địa bàn; Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu với các gói thầu thuộc tỉnh.
Đồng thời, UBND cấp xã được tổ chức đấu thầu các dự án quy mô nhỏ sử dụng vốn ngân sách xã hoặc được giao, Chủ tịch UBND xã là người chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức và phê duyệt.