Sơn La: Phát triển chiều sâu trong sản xuất trái cây nhằm phục vụ xuất khẩu
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, theo định hướng phát triển cây ăn quả đến năm 2025, tỉnh sẽ đi vào chiều sâu trong sản xuất, thâm canh tốt, chuyển đổi diện tích cây trồng, tiến tới các diện tích trồng thuần trên một héc ta để làm sao quy trình chăm sóc tốt.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, theo định hướng phát triển cây ăn quả đến năm 2025, tỉnh sẽ đi vào chiều sâu trong sản xuất, thâm canh tốt, chuyển đổi diện tích cây trồng, tiến tới các diện tích trồng thuần trên một héc ta để làm sao quy trình chăm sóc tốt, không để cây trồng tạp nhiều, đảm bảo tiêu chí nhập khẩu của các nước; đảm bảo chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Hiện diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đang là 82.000 ha, tỉnh Sơn La đưa ra định hướng đến năm 2025 có thể phát triển lên 100.000 ha.Với lợi thế là vùng có diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước, cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp có diện tích, sản lượng dẫn đầu khu vực, Sơn La đang tập trung tăng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản. Tỉnh Sơn La hiện có 281 mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, với trên 4.600 ha cây ăn quả và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sơn La đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; với 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, có 3 chỉ dẫn địa lý là Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn huyện Yên Châu, cà phê Sơn La; cùng 18 nhãn hiệu chứng nhận và 3 nhãn hiệu tập thể.
Sơn La đang tiếp tục triển khai xây dựng nhãn hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực gồm: Gạo Phù Yên; Thanh long Sơn La; Rượu Hang Chú Bắc Yên. Đặc biệt, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài, tỉnh đang triển khai dự án đăng ký bảo hộ sang Trung Quốc cho 2 sản phẩm Xoài Sơn La và Nhãn Sơn La.
Văn Hiếu/ VP Tây Bắc