Quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,85 triệu tấn gạo
Trong quý I, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 1,85 triệu tấn với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng hơn 34% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2022.
Theo thống kê, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng 8,8% so mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Nhiều thời điểm trong các tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Trong quý I/2023, xuất khẩu gạo ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu gạo sang EU tăng mạnh nhờ các đơn hàng gạo thơm, gạo chất lượng cao.
Về thị trường xuất khẩu, châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong quý I, đạt gần 1,57 triệu tấn, chiếm hơn 84,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 52,2% so cùng kỳ năm 2022. Châu Phi tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2, kế tiếp là khu vực thị trường châu Âu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tình hình xuất khẩu gạo trong quý I đang đi đúng định hướng. Chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định, gạo thơm và gạo nếp ngày càng gia tăng trị giá xuất khẩu.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn, nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam, và khẳng định được giá trị hạt gạo xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, chiến lược thị trường chưa thực sự ổn định, dài hạn, chưa thực sự đa dạng hóa thị trường. Công tác quản lý điều hành xuất khẩu gạo đôi lúc còn hạn chế, chưa sát thực tế về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, còn thiếu thông tin về diện tích gieo trồng, sản lượng từng chủng loại lúa, gạo hàng hóa tồn kho.
Ở một số phân khúc thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đều gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Chi phí sản xuất gia tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua lúa, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo…
Về thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - dự báo, những tháng cuối năm, giá lương thực tiếp tục biến động do các nước tăng cường dự trữ lương thực.
Nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi đang gia tăng. Tại các nước châu Âu, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên, đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng thì nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Việt Nam đang có lợi thế về nguồn cung sớm từ vụ lúa Đông xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo giá gạo Việt trong ngắn hạn vẫn ở mức tốt.
“Thị trường xuất khẩu gạo năm nay về phía nguồn cung thấp hơn nhu cầu nên đầu ra thuận lợi. Vấn đề của ngành gạo năm nay là khâu sản xuất và liên kết sản xuất sao cho có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Nam nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, mặc dù thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng để thúc đẩy tăng trưởng, thời gian tới, các hiệp hội, doanh nghiệp khẩn trương rà soát, có kiến nghị để Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo như Nghị định 103, Nghị định 107/2018, tạo tiền đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hương Trà (t/h)