“Siết” thuế bán hàng online: Tăng thu ngân sách, đảm bảo công bằng kinh doanh
Trong bối cảnh TMĐT phát triển bùng nổ tại Việt Nam, việc bán hàng qua các nền tảng trực tuyến đã trở thành xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thuế, nhất là khi có không ít cá nhân, hộ KD online chưa kê khai không đầy đủ.
Trước thực trạng trên, ngành Thuế đang triển khai nhiều biện pháp “siết” quản lý thuế đối với hoạt động bán hàng online nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng và tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Xử lý hình sự nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi trốn thuế
Chỉ tính riêng trong tháng 6 và đầu tháng 7, Thuế Thành phố (TP) Hà Nội phối hợp Công an TP Hà Nội đã phát hiện và xử lý 3 vụ việc liên quan 3 cá nhân có hành vi trốn thuế. Trong đó, mới đây nhất là vụ việc cơ quan Công an tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Thu Hường (Hycloset) gây xôn xao dư luận.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định hoạt động kinh doanh của bà Hường phát sinh doanh thu đặc biệt lớn, lên đến hơn 834 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Hường không kê khai, nộp thuế theo quy định, trốn thuế hơn 12,5 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, đại diện Thuế TP Hà Nội cho biết, bà Hường kinh doanh, bán hàng quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện của các thương hiệu nổi tiếng, có giá trị lớn (đã qua sử dụng hoặc mới) từ năm 2020 đến nay qua mạng xã hội Facebook, nhưng không kê khai, nộp thuế theo quy định. Địa điểm tổ chức kinh doanh livestream bán hàng tại căn hộ chung cư nên rất khó phát hiện, thủ đoạn che giấu tinh vi. Bà Hường nhận tiền thanh toán vào tài khoản cá nhân mở tại Vietcombank.
Tại cơ quan điều tra, bà Hường khai nhận bán hàng trên mạng xã hội Facebook, nhận thức được việc phải kê khai, báo cáo thuế nhưng thực tế không khai, nộp thuế theo quy định.

Cũng trong tháng 6 và đầu tháng 7, Thuế TP Hà Nội đã phối hợp với Công an TP Hà Nội phát hiện, xử lý vụ việc liên quan đến các cá nhân kinh doanh có hành vi trốn thuế.
Cụ thể, vụ việc TikToker Vũ Nam Phương (Vũ Hồng Phúc - Cún Bông) và Công ty CP Dược Hoa Kỳ: Dù có doanh thu lớn cả online và tại cửa hàng, nhưng cố tình không xuất hóa đơn, không kê khai thuế đầy đủ, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 10 tỷ đồng.
Vụ việc Công ty TNHH MI Hà Nội do cá nhân Đoàn Mạnh Hòa làm Giám đốc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng không kê khai gần 33 tỷ đồng, che giấu qua tài khoản cá nhân, vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra.
Kinh doanh trên nền tảng số cần song hành với trách nhiệm thuế
Theo tìm hiểu, hoạt động thương mại điện tử sẽ trở thành xu hướng tất yếu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay đổi tư duy toàn diện các phương thức kinh doanh truyền thống. Các nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube,... không chỉ là kênh tiêu dùng phổ biến mà còn là môi trường kinh doanh sôi động với hàng triệu cá nhân, tổ chức, trong đó có nhiều người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn.
Bên cạnh sự bùng nổ của nền kinh tế số, các loại hình kinh doanh thương mại điện tử ngày càng đa dạng, thậm chí xuất hiện những hình thức kinh doanh mới, trong khi hành vi vi phạm pháp luật về thuế ngày càng tinh vi. Chẳng hạn, sử dụng nhiều tài khoản để chia nhỏ doanh thu, sử dụng nhiều hệ thống sổ sách kế toán, ẩn núp dưới các mô hình như công ty hoặc hộ kinh doanh cá thể nhằm che giấu doanh thu, trốn thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Ông Phan Tiến Hòa, Phó Trưởng Thuế TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, một số vụ việc điển hình đã được xử lý. Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, tính đến tháng 6/2025, thu từ hộ, cá nhân kinh doanh nộp qua cổng thương mại điện tử (cổng 888) đạt 1.020 tỷ đồng, chiếm 55% số nộp cả nước nhờ kết nối dữ liệu từ sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các đơn vị trung gian thanh toán và vận chuyển.
Đại diện Thuế TP Hà Nội khẳng định, kinh doanh trên nền tảng số cần song hành với trách nhiệm thuế. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, dù là doanh nghiệp lớn hay người nổi tiếng đều phải tuân thủ pháp luật.
“Việc cố tình trốn thuế sẽ để lại hậu quả pháp lý nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hoạt động kinh doanh lâu dài, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Đối với những hành vi cố tình vi phạm, trốn tránh nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, đại diện Thuế TP Hà Nội nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, việc quản lý thuế đối với hoạt động bán hàng online là xu thế tất yếu. Đây không chỉ là nỗ lực tăng thu ngân sách, mà còn là biện pháp tạo sự công bằng trong môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Với việc sử dụng công nghệ và dữ liệu lớn, cùng cách tiếp cận mềm dẻo, ngành Thuế kỳ vọng sẽ dần đưa hoạt động kinh doanh online vào khuôn khổ quản lý hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, luật sư Nguyễn Ngọc Quỳnh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc tăng cường quản lý thuế trong kinh doanh online là cần thiết và phù hợp với xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đến yêu cầu minh bạch và phù hợp với thực tiễn.
“Nhà nước có quyền thu thuế, nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện nghĩa vụ. Việc siết thuế cần đi kèm với cải cách thủ tục, đơn giản hóa quy trình kê khai, nộp thuế, nhất là với các cá nhân bán hàng nhỏ lẻ không có nghiệp vụ kế toán”, luật sư Quỳnh nói.
Luật sư Quỳnh cũng lưu ý rằng, cần phân biệt rõ giữa người bán hàng chuyên nghiệp có doanh thu lớn với những cá nhân bán hàng thời vụ, nhỏ lẻ để tránh gây quá tải hành chính và tạo tâm lý e ngại.
“Pháp luật nên thiết kế chính sách theo hướng khuyến khích tự nguyện tuân thủ, chứ không chỉ là chế tài. Nếu áp dụng linh hoạt, hợp lý, việc quản lý thuế không chỉ tăng thu ngân sách mà còn giúp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng kinh doanh trực tuyến”, luật sư Quỳnh góp ý thêm.