Rộ chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí, nhiều phụ huynh 'sập bẫy'
Hiện nay trên mạng xã hội đang nở rộ hình thức đăng bài với nội dung tuyển dụng “người mẫu nhí”. Nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con dự tuyển nhưng sau đó bị lừa hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Nở rộ hình thức lừa đảo mới
Cơ quan công an gần đây đã cảnh báo, thời gian gần đây trên mạng xã hội nở rộ các fanpage đăng bài với nội dung tuyển dụng “người mẫu nhí”. Nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con dự tuyển nhưng sau đó bị lừa hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm của các bậc phụ huynh có xu hướng muốn phát triển năng khiếu và đào tạo kỹ năng sống cho em từ sớm.
Đánh vào tâm lý đó, đã có nhiều bài đăng tuyển dụng người mẫu nhí trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo với lời quảng cáo hấp dẫn như giúp trẻ tự tin, phát triển kỹ năng sống và có thu nhập cao.
Chỉ cần gõ từ khoá “tuyển mẫu nhí”, sẽ cho ra hàng loạt các trang fanpage như “Canifa - toả sáng tương lai bé”, “Ngôi sao nhí - Model Kids 2023”, “Siêu mẫu nhí 2023”… với lượt theo dõi cao.
Các trang này thường xuyên đăng tải nội dung tuyển người mẫu nhí từ 2 đến 14 tuổi “làm việc tại nhà”. Đặc biệt họ kèm theo mức lương vô cùng hấp dẫn.
Bên cạnh đó là những quyền lợi như trở thành người mẫu nhí chính thức của công ty thời trang nổi tiếng, được tài trợ toàn bộ cho mỗi buổi chụp, lương cơ bản 3-10 triệu/tháng.
Ngoài ra, phụ huynh được hứa hẹn sẽ nhận thêm phần trăm hoa hồng theo sản phẩm quảng bá… Đã có nhiều cha mẹ nhẹ dạ cả tin đăng ký cho con tham gia ứng tuyển mà không hề biết rằng có thể đã sa vào bẫy lừa đảo.
Khi dẫn dụ được các phụ huynh vào bẫy, các đối tượng sẽ đưa họ vào nhóm chát mời thử thách.
Thử thách cho các phụ huynh khi muốn con mình tham gia vào ứng tuyển “người mẫu nhí” là chuyển khoản để mua sản phẩm hàng hiệu, sau đó cho con em mình làm mẫu chụp ảnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội.
Để kích thích, các đối tượng này đã trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ cho các phụ huynh tham gia. Nhưng khi số tiền chuyển vào tài khoản tăng cao, chúng xóa tài khoản, cắt đứt liên hệ nhằm chiếm đoạt số tiền phụ huynh đã chuyển.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh còn nhận được đường link bình chọn giọng hát và cuộc thi người mẫu nhí. Khi click vào các đường link này, người tham gia được yêu cầu nhập mật khẩu Facebook, Zalo. Ngay lập tức đối tượng sẽ chiếm đoạt Facebook và các tài khoản mạng xã hội để đi vay tiền nhằm lừa đảo.
Chị Lê Thị Tuyền (giáo viên trên địa bàn quận Hà Đông), cũng từng là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo này.
Chị Tuyền cho biết: “Nhà tôi có 1 cháu gái năm nay lên lớp 2, sau một lần vô tình lên mạng thấy họ đăng tuyển người mẫu nhí. Tôi rất hào hứng muốn cho con tham gia, cũng muốn cho cháu có sự cọ xát, hoạt động vui vẻ. Thế nhưng khi tham gia vào họ đề nghị chuyển tiền kinh phí, họ đặt ra đủ thứ tiền. Sau khi chuyển tổng khoảng 10 triệu cho họ thì họ cắt liên lạc, gọi mãi không được”.
Người dân đặc biệt cảnh giác
Trước tình hình phức tạp của các đối tượng lừa đảo này, ngày 17/7, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, gần đây một số đối tượng sử dụng hình thức tuyển cộng tác viên qua các website và sàn thương mại điện tử lớn trong nước để lôi kéo người dân tham gia thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng này quảng cáo trên các website, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber về việc “Tuyển người mẫu nhí tham gia chụp ảnh làm đại diện thương hiệu”, với nội dung hấp dẫn, như: “Tuyển mẫu nhí 500K đến 1000K/01 lần chụp”; “Mẫu ảnh thời trang bé yêu"; “Tuyển trẻ em làm người mẫu cho hãng thời trang”…
Những fanpage này đều chạy quảng cáo, có hàng chục nghìn lượt người theo dõi, thường xuyên đăng tải các nội dung tuyển người mẫu nhí với lời chào mời hấp dẫn.
Đối tượng lừa đảo nhắm đến là các bậc phụ huynh có con nhỏ, đang sinh sống tại các thành phố lớn, như: Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh,… Thấy những cơ hội mở ra cho con và cả gia đình, nhiều phụ huynh không nghi ngờ, ngay lập tức khai báo một số thông tin cá nhân để đăng kí dự tuyển cho con, gồm tên tuổi của mẹ, của bé, số điện thoại, nghề nghiệp bố, mẹ của bé…
Nhóm lừa đảo sẽ kết bạn và mời tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang. Các đối tượng thường tỏ ra rất am hiểu tâm lí, tận tình hướng dẫn phụ huynh hoàn thành hồ sơ đăng kí dự tuyển.
Sau khi cha hoặc mẹ “cắn câu”, chúng sẽ đưa vào một nhóm/group chat để mời các cha mẹ tham gia trở thành cộng tác viên online dưới hình thức mua sắm các sản phẩm của sàn thương mại điện tử khác vừa được hưởng hoa hồng và tăng khả năng trúng tuyển của con mình.
Nhiệm vụ của các cộng tác viên online là mua sản phẩm với số tiền tăng dần và chuyển khoản vào tài khoản do chúng quản lý.
Lần thứ nhất, thứ hai được trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ đầy đủ (bao gồm tiền gốc đã chuyển khoản cho chúng + hoa hồng từ 10-15%) vào tài khoản người tham gia để tạo tin tưởng.
Hầu hết các nạn nhân (cộng tác viên online) chỉ phát hiện bị lừa đảo sau khi đã chuyển khoản cho các đối tượng này từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng cho chúng mà không nhận lại được tiền gốc và bị chúng xóa ra khỏi các nhóm trao đổi.
Chính vì thế, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) (Bộ Công An) khuyến cáo, người dân, doanh nghiệp không tham gia vào các nhóm tuyển cộng tác viên online về “Tuyển mẫu nhí” khi chưa có thông tin xác thực, đặc biệt là thông tin chính thức từ các thương hiệu.
Đồng thời, không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Viber… không quen biết.
Các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu cần cảnh báo/thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, website và trang mạng xã hội của doanh nghiệp...) về những hành vi lừa đảo này để người dân biết và phòng tránh.
Người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa cũng như trình báo cơ quan công an nơi gần nhất hoặc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu về hành vi lừa đảo.
Kiểm tra, đọc kỹ nội dung để xác định thông tin thật hay giả. Tin tức giả thường sẽ bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung; ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Các tài khoản đăng tải thông tin nếu là tài khoản ảo, thông tin liên hệ không rõ ràng, không xác định được định danh.
Đặc biệt cẩn trọng đối với các chương trình tuyển mẫu nhí trên không gian mạng và hạn chế gửi hình ảnh của con nhằm phòng ngừa đối tượng lợi dụng với mục đích xấu.
Trường hợp cần thiết để tham gia tuyển mẫu nhí phụ huynh nên đề nghị được gặp mặt trực tiếp để phòng tránh các chiêu trò lừa đảo qua mạng. Tuyệt đối không làm việc với nhà tuyển dụng nào mà yêu cầu ứng viên phải chuyển tiền, nộp tiền trước.
Chỉ thực hiện giao dịch chuyển tiền khi xác định chắc chắn định danh của người mình trao đổi và tuyệt đối không click vào những đường link lạ.
Quang Anh