Cảnh giác lừa đảo trước hoạt động kêu gọi đầu tư đa cấp, giả danh thương hiệu Wanhai Lines
Gần đây các đối tượng đã sử dụng hình ảnh của Wanhai Lines – một công ty vận tải top đầu thế giới để lôi kéo góp vốn đầu tư dưới mô hình đa cấp. Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm, có thể mất tài sản và mất thông tin cá nhân của người dân.
Chưa được cấp phép
Thời gian qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội đã chia sẻ hình thức đầu tư góp vốn “vận chuyển trực tuyến”, thêu tàu biển kinh doanh với khả năng sinh lời cao.
Theo như những lời quảng cáo, đây là hình thức kêu gọi đầu tư Wanhai Lines – hãng tàu lớn thứ 3 Đài Loan (Trung Quốc) và lớn 11 thế giới, với nhiều chi nhánh trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Người muốn tham gia góp vốn đầu tư, chỉ cần truy cập vào trang web do các đối tượng cung cấp hoặc tải ứng dụng WH Shipping trên điện thoại. Muốn truy cập vào trang web người chơi phải cung cấp các thông tin cá nhân như: Số điện thoại, ảnh chụp căn cước công dân để xác minh danh tính, đăng ký tài khoản. Sau đó nạp tiền vào hệ thống để bắt đầu đầu tư bằng hình thức góp tiền… thuê tàu biển.
Nhà đầu tư chỉ cần tham gia vào một trong 11 gói đầu tư của hệ thống để hưởng lãi suất từ 1,2%-1,7%/ngày mà không phải làm gì. Với mức lãi suất này, nhà đầu tư có thể thu hồi được 100% vốn chỉ trong 59 – 84 ngày tùy theo “gói Vip” đã tham gia.
Trao đổi với một số thành viên có gói “Vip” của hệ thống đầu tư này, thì các thành viên tiết lộ, đây là một dự án “uy tín” của một công ty vận tải lớn của thế giới. Nhà đầu tư có thể tham gia với số tiền nhỏ và sớm thu hồi được vốn.
Ngoài ra, nếu muốn kiếm thêm nhiều tiền hơn nữa, nhà đầu tư cần phát triển hội nhóm, hệ thống và tăng cấp độ bằng cách giới thiệu thêm người tham gia. Để từ đó có thể nhận “hoa hồng” từ giao dịch của người được giới thiệu.
Đồng thời việc phát triển hội nhóm có thể đem lại nhiều lợi ích do được được tham gia các chương trình chiết khấu, vòng quay may mắn... Thậm chí người này cho biết, nếu đội nhóm phát triển tốt còn được công ty hỗ trợ mở cho một trụ sở riêng để làm việc.
Qua tìm hiểu, trên Fanpage WH Shipping mà các đối tượng chia sẻ, nhiều hình ảnh liên quan đến hoạt động và lời quảng cáo về chương trình góp vốn đầu tư vận tải được gắn mác chương trình của Wanhai Lines để kêu gọi người tham gia. Fanpage này còn đăng tải các hình ảnh tặng xe, tặng vàng có gắn logo của hãng tàu để cho thấy độ “uy tín” của hệ thống này, đặc biệt là những ưu đãi dành cho người dẫn đầu tạo dựng được hệ thống tuyến dưới đông đảo, thu hút được số tiền góp vốn lớn.
Tuy nhiên, với hoạt động theo mô hình đa cấp như nói trên, nhưng tới thời điểm hiện tại, trong danh sách các công ty hoạt động đa cấp tại Việt Nam lại không có cái tên nào liên quan đến Vạn Hải, Tổng công ty Vạn Hải hay WH Shipping như lời quảng cáo của các đối tượng.
Giả danh thương hiệu lớn
Qau tìm hiểu của phóng viên trên trang điện tử chính thức của Lines có địa chỉ ở Đài Loan, không có một nội dung đăng tải nào liên quan đến hoạt động kêu gọi đầu tư, huy động vốn, cũng như các nội dung liên quan đến ứng dụng WH Shipping.
Đại diện Công ty TNHH WanHai Việt Nam – công ty con của Wanhai Lines cho biết, đã có nhiều người gọi điện hỏi thăm về hoạt động góp vốn liên quan đến Wanhai đang lan truyền trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Wanhai Lines cũng như Wanhai Việt Nam không có hoạt động kêu gọi góp vốn nào như vậy. Từ đó cho thấy các đối tượng nói trên đang có dấu hiệu giả mạo Wanhai Lines để kêu gọi đầu tư và có dấu hiệu lừa đảo.
Qua tìm hiểu, hoạt động gọi vốn theo mô hình đa cấp liên quan đến ứng dụng WH Shipping cũng được cơ quan Công an của một số tỉnh thành lên tiếng cảnh báo. Người dân có thể bị mất tài sản, mất thời gian và thậm chí là mất thông tin cá nhân khi tham gia vào hệ thống kêu gọi vốn đầu tư đa cấp như này.
Trước WH Shipping, cơ quan chức năng từng cảnh báo về rủi ro của các hoạt động đầu tư trên không gian mạng. Trong đó có các hoạt động kêu gọi đầu tư, huy động vốn thông qua các tên gọi, hình thức như đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử, bất động sản… có dấu hiệu lừa đảo, huy động vốn trái phép.
Một số ứng dụng cũng như hoạt động kêu gọi đầu tư từng được Bộ Công an, Bộ Công thương cảnh báo như My Aladdinz, Skyway… Mới đây nhất là hệ thống RF3WORLD bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) lên tiếng cảnh báo vì các hoạt động bán hàng, gọi vốn theo mô hình đa cấp.
Để tránh những rủi ro không đáng có, cơ quan chức năng cũng đưa ra khuyến cáo người dân không tham gia vào các hoạt động có dấu hiệu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép để hạn chế tối đa thiệt hại về vật chất và pháp lý.
Quang Anh