0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 12/11/2022 10:47 (GMT+7)

Xuất khẩu gạo tháng 10 tăng cao kỷ lục

Theo dõi KT&TD trên

Theo thống kê, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10 tăng cả về lượng và giá trị, trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh

Xuất khẩu gạo tháng 10 tăng cao kỷ lục - Ảnh 1

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341,064 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022. Tháng 10/2022 đã trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo nước ta.

Xét về thị trường trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 2,739 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 45,02%, trị giá 1,266 tỷ USD, tăng 30,84% về khối lượng và tăng 18,39% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Theo dữ liệu mới nhất của Cục Công nghiệp Thực vật (BPI) Philippines, tính đến cuối tháng 10, tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này đạt 3,234 triệu tấn, cao hơn gần một triệu tấn so với mức 2,242 triệu tấn trong cùng kỳ 10 tháng năm ngoái.

Theo ước tính mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Philippines, quốc gia mua gạo lớn thứ hai thế giới, dự kiến sẽ nhập khẩu tổng khối lượng 3,4 triệu tấn gạo trong năm nay. Dữ liệu của BPI cũng cho thấy tổng lượng gạo nhập khẩu cho đến ngày 3/11 đạt 3,242 triệu tấn, trong đó, có 2,701 triệu tấn gạo đến từ Việt Nam.

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10/2022 đạt 131.609 tấn, trị giá 63.306.470 tấn, tăng 66,68% về lượng và tăng 75,04% về kim ngạch so với tháng 10 năm ngoái.

Luỹ kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 757.575 tấn, chiếm tỷ lệ 12,45%, trị giá 382.676.125 USD, giảm 18,01% về lượng và giảm 16,78% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, chỉ riêng 2 thị trường Philippines và Trung Quốc đã chiếm đến 57,47% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước, vì vậy, khi một trong hai nước này có động thái tăng mua sẽ lập tức tác động mạnh mẽ lên thị trường lúa gạo nội địa.

Luỹ kế 10 tháng của năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,085 triệu tấn, trị giá 2,945 triệu USD, tăng 17,4% về lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 484 USD/tấn".

Giá gạo xuất khẩu đứng đầu thế giới

Xuất khẩu gạo tháng 10 tăng cao kỷ lục - Ảnh 2

Theo VFA, trong tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt bình quân 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Mức giá này cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 48 - 51 USD/tấn và Thái Lan 18 - 23 USD/tấn. Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022.

Trong 10 ngày đầu tháng 11/2022, giá gạo xuất của Việt Nam vẫn ở mức cao nhất thế giới. Cụ thể, ngày 8/11, gạo 5% tấm loại đóng bao 50 kg/bao đối với gạo Ấn Độ giao dịch ở mức 385 USD/tấn (FOB), gạo 5% tấn Thái Lan giá 405 USD/tấn (FOB), gạo 5% tấm của Việt Nam giá 425 USD/tấn (FOB), Đối với gạo OM 5451 giá 450 USD/tấn (FOB), gạo DT8 giá 480 USD/tấn (FOB).

Giá gạo xuất bình quân của Việt Nam tăng cao còn là nhờ thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao.

VFA cho biết phân khúc gạo thơm và chất lượng cao của Việt Nam được sản xuất từ giống lúa Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18 là những giống không có một nước xuất khẩu gạo nào có thể thay thế được. Đây là những giống lúa cho phân khúc gạo đáp ứng được nhu cầu thị trường và có tính cạnh tranh rất cao so với phân khúc gạo thơm của Thái Lan, Campuchia.

Hương Trà

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu gạo tháng 10 tăng cao kỷ lục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá vàng cao chót vót, nên mua hay bán?
Trong phiên giao dịch sáng nay (2/4), giá vàng miếng SJC đang được các thương hiệu niêm yết ở ngưỡng 99,4 - 102,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch ở ngưỡng 2,7 triệu đồng/lượng.

Tin mới

Xu hướng kinh doanh đồ uống: Đâu là mô hình tiềm năng nhất?
Thị trường đồ uống luôn là một lĩnh vực năng động với nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh đồ uống mới, sáng tạo và đầy tiềm năng.
Giá căn hộ tăng cao: Khi nào người mua nhà mới "dễ thở"?
Thị trường bất động sản Việt Nam những năm gần đây đang trải qua giai đoạn biến động mạnh mẽ. Mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, giá căn hộ vẫn duy trì ở mức cao, khiến người mua nhà - đặc biệt là tầng lớp trẻ và người có thu nhập trung bình - vẫn phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề.
Gen Z và cơn sốt trà: Khi thế hệ trẻ biến thức uống cổ điển thành xu hướng mới!
Gen Z đang biến trà từ một thức uống truyền thống thành xu hướng sành điệu và sáng tạo. Từ trà sữa trân châu đến trà masala chai đậm đà, họ không ngừng thử nghiệm và đổi mới. Không chỉ là một sở thích, trà đã trở thành phong cách sống, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững.