Quy định pháp lý đã rõ, vi phạm về kinh doanh phân bón vẫn tràn lan
Quy định về các điều kiện đối với hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón đã có, nhưng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn ra thường xuyên. Thực tế, mới đây cơ quan chức năng đã xử lý hàng loạt vụ việc liên quan đến kinh doanh phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng, vi phạm nhãn hàng hoá…
Theo quy định tại Nghị định số 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi vi phạm hành chính về phân bón bị phạt tới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, hành vi vi phạm về sản xuất và kinh doanh phân bón vẫn diễn ra tại nhiều địa phương, gây tổn hại đến thị trường phân bón chung.
Xử lý hàng loạt cơ sở kinh doanh phân bón
Hàng loạt vụ việc liên quan đến những vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón như: phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng, vi phạm nhãn hàng hoá… đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Cụ thể, theo Cục QLTT tỉnh Tiền Giang, trong ngày 19/12/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG do Đội QLTT số 6 chủ trì kiểm tra đột xuất tại 02 hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Đoàn kiểm tra lấy 03 mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng. Kết quả, có 02 mẫu là hàng giả và 01 mẫu không đảm bảo chất lượng. Không chỉ vậy, các cơ sở này còn vi phạm quy định về nhãn hàng hóa (các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó, có nhãn ghi không đúng nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa).
Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị, vào các ngày 26 và 29/01/2024 cả 02 cơ sở vi phạm đã bị Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang và Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm đã nêu với tổng số tiền hơn 90 triệu đồng. Tổng trị giá lô hàng vi phạm gần 75 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, các hộ kinh doanh đã nộp phạt theo quy định.
Mới đây nhất, Cục QLTT Kiên Giang, cho biết vào ngày 11/01/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Kiên Giang kiểm tra theo kế hoạch định kỳ năm 2024 đối với hộ kinh doanh phân bón thuộc địa bàn xã Mỹ Phước, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Quá trình kiểm tra, Đội QLTT số 2 đã lấy 01 mẫu phân bón hỗn hợp NPK có dấu hiệu vi phạm về chất lượng để thử nghiệm.
Căn cứ kết quả thử nghiệm chất lượng của cơ quan chuyên môn, mẫu phân bón hỗn hợp NPK là hàng giả theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và khoản 8 Điều 2 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP. Đội QLTT số 2 tiến hành làm việc với hộ kinh doanh và xác định 200 bao phân bón NPK giả về chất lượng, công dụng đã được hộ kinh doanh bán hết, Đội QLTT số 2 lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi: Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (lô hàng trị giá 114 triệu đồng). Do vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội đã chuyển hồ sơ về Cục trình Chủ tịch UBND tỉnh xử lý.
Ngày 16/02/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm về buôn bán hàng giả để truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện vụ việc đã được Đội QLTT số 2 chuyển giao toàn bộ tài liệu, hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang để xem xét, xử lý.
Trong khi đó, tại tỉnh Long An, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường tỉnh này đã tiến hành kiểm tra 170 vụ, lấy 135 mẫu phân bón kiểm định chất lượng và phát hiện 54 vụ vi phạm. Trong đó, phân bón giả 3 vụ, phân bón kém chất lượng 18 vụ, vi phạm về nhãn, điều kiện, niêm yết giá 33 vụ. Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỷ đồng.
Theo Cục QLTT Long An, các hành vi vi phạm qua kiểm tra phát hiện chủ yếu là buôn bán hàng hóa không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; vi phạm nhãn hàng hóa; không niêm yết giá hàng hóa; sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Trưng bày để bán hàng hóa là phân bón xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Nổi bật là vụ việc UBND tỉnh Long An ra quyết định xử phạt 147 triệu đồng đối với cá nhân Nguyễn Văn Nhuần (48 tuổi, ngụ xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ), đồng thời áp dụng hình thức tăng nặng do ông này mua bán nhiều lần không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Cục QLTT Long An đã lập biên bản ông Nhuần với 10 hành vi vi phạm. Cụ thể, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh, buôn bán phân bón không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón, buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về ngôn ngữ, hàng hóa trên nhãn có chữ viết không đúng bản chất không đúng sự thật về hàng hóa,…
Quy định xử lý vi phạm hành chính về sản xuất kinh doanh phân bón
Theo quy định tại Nghị định số 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi vi phạm hành chính về phân bón bị phạt tới 200 triệu đồng.
Cụ thể, đối với các hành vi vi phạm về sản xuất phân bón, Nghị định quy định phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi, gồm: Không có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; Không thực hiện báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón định kỳ hàng năm trong 02 năm liên tiếp hoặc không thực hiện báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Không có phòng thử nghiệm được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025 mà không có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất ra (trừ các cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón).
Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi, gồm: Người trực tiếp điều hành sản xuất phân bón không có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học; Không thực hiện thu hồi hoặc không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Không lưu mẫu sản phẩm của từng lô phân bón xuất xưởng theo quy định về thời gian bảo quản mẫu lưu; Không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm theo quy định về thời gian của từng lô phân bón sản xuất đã xuất xưởng.
Sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất bị phạt tới 70 triệu đồng
Đối với hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón bị phạt như sau:
Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;
Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi không nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không đúng loại phân bón, dạng phân bón được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;
Phạt tiền từ 60 – 70 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đã hết hạn hoặc bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi.
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 90 – 100 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (trừ trường hợp sản xuất phân bón để nghiên cứu, khảo nghiệm; phân bón sản xuất trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong thời gian thực hiện dự án, chương trình) hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc khi đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 100 triệu đồng trở lên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.
Bán phân bón không có Giấy phép bị phạt tới 15 triệu đồng
Đối với hành vi vi phạm quy định về buôn bán phân bón, Nghị định quy định phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
Buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;
Buôn bán phân bón trong thời gian bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;
Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt năm 2018 trong quá trình hoạt động.
Phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng đối với hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.
Đối với hành vi sử dụng phân bón nhập khẩu không đúng mục đích ghi trong Giấy phép nhập khẩu phân bón bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Minh Đức