Phát huy vai trò Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát huy vai trò hạt nhân trong tăng trưởng kinh tế khu vực thì trước hết phải hoàn thiện thể chế liên kết trong phát triển vùng.
Vùng kinh tế động lực
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa các vùng phía Bắc và phía Nam nước ta, là cửa ngõ quan trọng thông ra biển của Tây Nguyên. Hiện đang thu hút nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước, có nhiều dự án lớn tầm cỡ quốc gia.
Theo đó, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập tại Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, vùng kinh tế này đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, giai đoạn 2001 - 2019 tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng luôn duy trì ở mức tăng trưởng cao (10,25%/năm). Giai đoạn 2011 - 2019, có sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng đáng kể so với thời kỳ trước, song vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước (6,2%/năm).
Năm 2022, GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 3/63 về tốc độ tăng trưởng và 17/63 về quy mô so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. So với các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, Đà Nẵng xếp thứ 2/14 địa phương về tốc độ phát triển (sau Khánh Hòa) và xếp thứ ba về quy mô (sau Thanh Hóa, Nghệ An).
Đặc biệt, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động, với tốc độ nhanh, bền vững, là vùng kinh tế động lực. Sau 18 năm triển khai Nghị quyết trước yêu cầu của tình hình mới, vùng cần có những bước đi với tư duy đổi mới và các giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, sự phát triển kinh tế của vùng sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác hợp lý hơn tiềm năng tự nhiên và lao động, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư của các vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Bắc Trung bộ.
Đổi mới cơ cấu kinh tế
Để xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như mối tương quan chung với các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước, định hướng phát triển Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (trong đó có Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 được nêu rõ tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị.
Trong đó, Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ xác định là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào.
Đồng thời, vùng là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường…
Để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát huy vai trò hạt nhân trong tăng trưởng kinh tế khu vực, trước hết phải hoàn thiện thể chế liên kết trong phát triển vùng.
Theo đó, nhanh chóng xây dựng và ban hành quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch vùng ban hành phải đủ sớm, mốc thời gian đủ dài để định hướng các cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương trong vùng có đủ thời gian xây dựng những kế hoạch phát triển ngành, địa phương, phù hợp và đảm bảo tuân thủ đúng quy hoạch chung về phát triển vùng.
Xây dựng quy hoạch phát triển chung cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần đứng trên cách tiếp cận vùng, trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh (cả lợi thế so sánh động và tĩnh) của mỗi địa phương nội vùng trong phát triển kinh tế, cần đặt các yếu tố cấu thành các nền kinh tế địa phương trong mối tương tác và liên kết vùng.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, đa dạng ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: Xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải, cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển.
Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá mà Nghị quyết xác định nhằm phát huy thế mạnh từ biển là nhanh chóng đổi mới cơ cấu kinh tế. Đối với lĩnh vực trọng tâm là công nghiệp, Nghị quyết yêu cầu phải tạo chuyển biến mạnh mẽ theo hướng hiện đại với những sản phẩm có thế mạnh, có thương hiệu và tham gia hiệu quả vào chuỗi sản xuất của khu vực và toàn cầu.
Hà Giang