Nông sản giảm cạnh tranh do không chế biến sâu
Theo ước tính, sản lượng rau quả Việt Nam hàng năm đạt 31 triệu tấn nhưng tỉ lệ chế biến chuyên sâu chỉ đạt khoảng 12% - 17%, mới chỉ đáp ứng khoảng 8% - 10% sản lượng.
Điều này một mặt khiến giá trị nông sản không được gia tăng, mặt khác người dân có nguy cơ chịu thiệt hại kinh tế lớn do lượng rau quả hư hỏng sau thu hoạch, hay hư hỏng khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Thậm chí giảm sức cạnh tranh trên nhiều thị trường lớn.
Theo đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam, Việt Nam mới có khoảng 150 cơ sở, doanh nghiệp có nhà máy chế biến hiện đại, đầu tư mới. Công suất thiết kế 1 triệu tấn nguyên liệu 1 năm, mới chỉ chiếm khoảng hơn 10% trong số nguyên liệu Việt Nam sản xuất hàng năm. Còn lại hơn 7.500 cơ sở chế biến nhỏ lẻ của hộ gia đình, hoặc các doanh nghiệp nhỏ mới chỉ làm công tác sơ chế, bảo quản sau quy hoạch. Do đó lượng rau củ quả bị hao hụt sau thu hoạch chiếm từ 30 - 40%.
Theo các chuyên gia, công nghệ chế biến chuyên sâu còn hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu vẫn là xuất khẩu tươi, xuất khẩu thô, nên dù có những mặt hàng có sản lượng xuất khẩu cao nhưng lại thua thiệt so các nước trên thế giới.
"Ví dụ xuất khẩu gạo chúng ta đứng thứ nhất, thứ nhì, thứ ba trên thế giới, như những năm gần đây xuất gạo 6 - 7 triệu tấn nhưng so với giá trị thu nhập vẫn thấp hơn các nước", TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết.
Cũng theo các chuyên gia, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phát triển ngành chế biến hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được các nhu cầu và quy định của các thị trường tiêu thụ để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản và đứng top 10 các nước hàng đầu của thế giới.
Việt Nam cần phải tổ chức sản xuất bằng việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới. Bởi thực tế muốn đẩy mạnh chế biến phải có những doanh nghiệp nông nghiệp lớn làm "đầu tàu" dẫn dắt, liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Mục tiêu của Việt Nam là trở thành trung tâm chế biến nông sản. Muốn vậy ở từng địa phương, từng khu vực, người dân và doanh nghiệp phải thay đổi thói quen chỉ sản xuất những gì mình có, sang sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Ví dụ như tỉnh Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước cũng như phát triển được các vùng chuyên canh cây trồng với quy mô lớn. Tận dụng lợi thế này Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến chuyên sâu đê nâng cao giá trị nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu cũng như tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến chuyên sâu khép kín đã đưa các mặt hàng như chả lụa, chả giò, xúc xích, lạp xưởng... của Công ty Chế biến thực phẩm Đồng Nai, Tập đoàn Green Feed có mặt ở các thị trường trong nước, đưa doanh thu của doanh nghiệp tăng trưởng khá rất ấn tượng, mỗi năm doanh thu của doanh nghiệp tăng hàng ngàn tỉ đồng.
Với việc sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để chế biến các sản phẩm từ trái cây như: thạch dừa, nha đam, táo sấy đã giúp Nhà máy Vina Coco, Công ty GC Food đưa giá trị sản phẩm tăng lên từ 5 đến 10 lần. Đặc biệt là các mặt hàng này không chỉ có mẳt ở thị trường trong nước mà còn vươn ra 19 nước trên thế giới.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có 141 doanh nghiệp chế biến nông sản và 63 cơ sở giết mổ chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Các sản phẩm chủ lực được đưa vào chế biến chuyên sâu chủ yếu là cà phê, điều, hồ tiêu, các loại cây ăn quả và 2 sản phẩm chăn nuôi là lợn, gà.
Tập trung chế biến chuyên sâu không chỉ giúp cho sản phẩm tiện lợi trong quá trình sử dụng và tiêu dung, mà quan trọng nhất các sản phẩm không bị tác động bởi thị trường - được mùa mất giá, được giá mất mùa, mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, cạnh tranh các sản phẩm cùng loại ở thị trường quốc tế.
Bảo Anh