0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 24/07/2023 07:49 (GMT+7)

Nợ xấu tại ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng

Theo dõi KT&TD trên

Việc nợ xấu nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho thấy thực trạng đầy lo lắng. Áp lực nợ xấu vẫn hiện hữu, đây là một bài toán khó cho các ngân hàng khi thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Nợ xấu bào mòn lợi nhuận

Mới đây, TPBank đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với cùng kỳ, đạt 1.618 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế giảm gần 11%, đạt gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, con số này cũng chưa đạt 50% kế hoạch so với mức lợi nhuận cả năm dự kiến của TPBank trong năm 2023 là 8.700 tỷ đồng.

Chất lượng nợ vay là điểm đáng chú ý nhất trong bức tranh tài chính quý II của TPBank. Số dư nợ xấu tại TPBank trong quý II/2023 đã tăng vọt 188% lên 3.913 tỷ đồng trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 5,6 lần lên 2.146,8 tỷ đồng trong khi đầu năm con số này chỉ là hơn 385 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) của TPBank cũng tăng mạnh 142% (gần gấp 2,5 lần) lên gần 1.130 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh từ mức 0,84% vào đầu năm lên 2,21%.

Nợ xấu tại ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng

Tương tự tại ABBank, lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 của ngân hàng này chỉ đạt 67 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng ở mức 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ.

Nợ xấu tại ABBank cũng tăng mạnh 61,5% so với đầu năm, lên mức hơn 3.800 tỷ đồng, chiếm hơn 4,5% dư nợ khách hàng tại ngân hàng này. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng hơn 2,5 lần, từ mức 540 tỷ đồng lên 1.385 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng hơn gấp 3 lần, từ 420 tỷ đồng lên 1.311 tỷ đồng.

ABBank cũng tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 25% lên 1.282 tỉ đồng trong bối cảnh dư nợ xấu tăng đáng kể. Tuy vậy, do mức tăng mạnh hơn của dư nợ xấu, tỉ lệ bao phủ nợ xấu tại ngân hàng này vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 33,6% và giảm so với mức 43,3% vào đầu năm.

Với PGBank, tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt 46.986 tỷ đồng, giảm 4,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% lên 30.249 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng tăng 12,7% lên 839 tỷ đồng, chiếm 2,77% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này tăng so với mức 3,56% hồi đầu năm.

Áp lực gia tăng nợ xấu

Việc nợ xấu nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho thấy thực trạng đầy lo lắng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính tới 30/6/2023, đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tổng dư nợ gốc lãi được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ là gần 62.500 tỷ đồng.

Các chuyên gia dự báo rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại vào cuối năm 2023, trong năm 2024 và có sự phân hóa. Cụ thể, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu, nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể đối mặt rủi ro nợ xấu, áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.

Trong báo cáo triển vọng ngân hàng cập nhật mới nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro trong hệ thống dự báo sẽ tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Theo nhóm nghiên cứu, sự ‘đóng băng’ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang làm tăng rủi ro nợ xấu với hệ thống ngân hàng do 2 nguyên nhân chính: một là việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động dòng vốn mới để đảo nợ; hai là hoạt động xử lý nợ xấu khó khăn do bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng của các ngân hàng dự kiến sẽ chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ Nghị định 08/NĐ-CP hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư 02/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay.

Bên cạnh đó, việc Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực từ đầu năm 2023 đặt ra nhu cầu cấp thiết tiến tới xây dựng Luật xử lý nợ xấu sẽ là cơ chế giúp các ngân hàng khoanh nợ xấu, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản tồn đọng và duy trì tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3%.

VCBS cũng nhấn mạnh lợi nhuận trong năm 2024 của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phân hoá mạnh, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2024 trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô trên thế giới tiếp tục xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục; cùng với đó là việc các thông tư và chính sách hỗ trợ hết hiệu lực.

Trung Anh

Bạn đang đọc bài viết Nợ xấu tại ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thu chi minh bạch với tính năng Quỹ nhóm trên App HDBank
Tập hợp những tiện ích tối ưu như góp và rút quỹ, lịch sử thu chi, thông báo khi có biến động số dư, mời và xóa thành viên tham gia tiện lợi, tính năng Quỹ nhóm của App HDBank là lựa chọn của nhiều khách hàng khi mở quỹ nhóm.
HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.