Những công trình hạ tầng trọng điểm tô điểm diện mạo Thủ đô
Diện mạo Thủ đô đã thực sự thay đổi với nhiều công trình tiêu biểu, mang dấu ấn đậm nét của một đô thị hiện đại, văn minh, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.
Hướng đến kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023), hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được xây dựng đã kịp về đích, đáp ứng mong mỏi của người dân Thủ đô và trở thành động lực để “Trái tim của cả nước” tiếp tục phát triển mạnh mẽ thành đại đô thị văn minh, hiện đại, giàu đẹp.
Trong những năm qua, người dân Hà Nội đã cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của hệ thống hạ tầng giao thông, không chỉ phục vụ hiệu quả cho Thủ đô phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giúp thành phố khang trang hơn, hiện đại hơn.
Với việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị Hà Nội đã và đang được xây dựng đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Diện tích đất dành cho giao thông tăng dần hàng năm. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng khung với các công trình giao thông trọng điểm như: Cầu Vĩnh Tuy và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đường Vành đai 3 trên cao, Vành đai 4, cầu Nhật Tân, Quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội-Lào Cai… hoàn thiện, đã tạo thêm một diện mạo mới của Hà Nội.
Hà Nội đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”. Trong đó, Hà Nội xác định tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước so với yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô và ưu tiên đầu tư hoàn thành các trục hướng tâm, đường vành đai, dự án đường sắt đô thị, mạng lưới giao thông tĩnh, nhằm giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông.
Để đạt được những mục tiêu này, từ đầu năm 2023, thành phố tập trung tạo bước đột phá về thể chế gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng để giao thông đi trước mở đường.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 - Khẳng định “tầm vóc” giao thông Thủ đô
UBND Thành phố Hà Nội vừa chốt thời gian tổ chức Lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vào ngày 30/8 chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023) và 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có quy mô thiết kế về kết cấu, hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, tổng chiều dài khoảng 3.473m, mặt cắt ngang cầu rộng 19,25m. Cầu có 08 nhịp chính, kết cấu cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, các nhịp cầu được đúc hẫng cân bằng dài 955m, khẩu độ vượt nhịp lớn nhất 135m.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm phía hạ lưu sông Hồng, song song với cầu giai đoạn 1. Công trình được khởi công vào tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư dự án hơn 2.500 tỷ đồng. Điểm đầu của cầu sẽ giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh (quận Long Biên).
Dự án đầu tư, xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, ngân sách thành phố, được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 tại Thành phố Hà Nội; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố. Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy 1 và 2 có tổng cộng có 8 làn xe, trong đó có 4 làn xe ôtô, 2 làn đường xe buýt và làn xe thô sơ. Sau khi hoàn thiện cả 2 giai đoạn sẽ là cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt.
Cầu vượt chữ C Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch: Giảm “điểm nghẽn” giao thông
Ngay trong nội đô, cũng có những cây cầu vượt độc đáo góp phần xóa các “điểm đen” ùn tắc giao thông như cầu thép hình chữ C nối đoạn Phạm Ngọc Thạch – Chùa Bộ (quận Đống Đa).
Cụ thể, sau hơn 21 tháng thi công khẩn trương, gấp rút, sáng 30/6 vừa qua, cầu vượt chữ C nối phố Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) đã hoàn thành.
Cầu dài hơn 300m, rộng 9m, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Thành phố Hà Nội. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 cùng khó khăn trong việc di chuyển công trình ngầm khiến dự án bị chậm tiến độ ít nhiều.
Theo thiết kế, cầu vượt kết cấu thép lắp ghép, trực thông dạng chữ C theo hướng từ Chùa Bộc đến Phạm Ngọc Thạch, tổ chức giao thông hai chiều. Đặc biệt, trong hơn 20 cầu vượt nút giao tại Thủ đô, đây là cây cầu đầu tiên có hình chữ C do địa hình và tính chất giao thông. Đoạn uốn cong nằm giữa ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc - Tôn Thất Tùng - Đông Tác.
Công trình nhằm nâng cao năng lực giao thông qua ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Đông Tác, giải quyết tình trạng ùn tắc lâu nay. Khi mặt đường Tôn Thất Tùng được mở rộng, thành phố sẽ xây dựng bổ sung nhánh cầu trên đường Tôn Thất Tùng và khớp nối với nhánh Phạm Ngọc Thạch, tạo thành cầu vượt chữ Y hoàn chỉnh.
Vành đai 4 – Hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại
Nằm trong chuỗi các dự án trọng điểm về giao thông, “siêu dự án” đang thu hút nhiều sự quan tâm là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vừa chính thức được khởi công ngày 25/6/2023 với tổng chiều dài khoảng 112,8km.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km, gồm 58,2km qua địa phận Hà Nội, còn lại là 9,7km tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ có 8 nút giao liên thông được xây dựng trong giai đoạn 1, bao gồm: Nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Quốc lộ 38; nút giao với cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai 14 dự án tái định cư cho người dân, đến nay đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng và di chuyển trên 10.000 ngôi mộ. Đến nay, 2 khu gồm 1 khu tại huyện Sóc Sơn và 1 khu tại huyện Thường Tín đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Không chỉ vậy, thành phố cũng vừa khởi công xây dựng Dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại xã Văn Khê (Mê Linh) với diện tích gần 8ha, tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng. Diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 25.000m2 để phục vụ nhu cầu tái định cư của khoảng 200 hộ dân, khu này còn được bố trí 11.500m2 đất công cộng, bãi đỗ xe và đất cây xanh, tạo điểm nhấn cảnh quan. Dự kiến các hạng mục hạ tầng như san nền, hệ thống thoát nước, đường giao thông được hoàn thành trước ngày 31/12 để giao đất cho các hộ dân. Các hạng mục còn lại như xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh, hệ thống chiếu sáng hoàn thành tháng 5/2024. Các khu khác hiện đang được đẩy nhanh các thủ tục liên quan. Nếu không kịp bố trí tái định cư trước Tết Nguyên đán 2024, Hà Nội sẽ tính toán phương án hỗ trợ tạm cư cho người dân.
Việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới rất tiềm năng. Dự án còn tạo động lực phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng và Thành phố phía Tây Hà Nội.
Đôn đốc triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm
Thống kê cho thấy năm 2023, Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới. Trong đó, riêng lĩnh vực giao thông có 96 dự án lớn nhỏ với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn.
Trong số này có dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai khởi công ngày 3/12/2022, dự kiến hoàn thành năm 2027, tổng mức đầu tư 8.113 tỷ đồng.
Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 có chiều dài 21,7km, bắt đầu từ nút giao Ba La (quận Hà Đông) đến thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Tuyến đường được nâng cấp, mở rộng lên 50 - 60m, tương đương 4 - 6 làn xe; tốc độ thiết kế 80 -100km/h.
Một số dự án, công trình giao thông trọng điểm khác như xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình với tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 với tổng vốn đầu tư 3.242 tỷ đồng; dự án xây dựng nút giao giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức có tổng mức đầu tư xây dựng công trình hơn 2.384 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2026…