NHNH hút tiền điều chỉnh thanh khoản, tỷ giá vẫn tiếp tục nóng
NHNN hút tiền qua kênh tín phiếu với tốc độ cao hơn đáng kể so với tốc độ trung bình của giai đoạn tháng 9-11/2023 với 15.000 tỷ đồng/phiên. Tỷ giá USD/VND có diễn biến kém tích cực do áp lực trên thị trường quốc tế vẫn khá mạnh và NHNN có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn.
NHNN duy trì hút tiền trong bối cảnh thanh khoản dư thừa
Trong tuần trước, NHNN đã có động thái đáng chú ý khi quay trở lại phát hành tín phiếu, với tổng khối lượng 75 nghìn tỷ đồng và kỳ hạn 28 ngày. Lãi suất trúng thầu ghi nhận là 1,4% - không có sự chênh lêch quá nhiều so với lãi suất kỳ hạn 1 tháng trên thị trường liên ngân hàng.
Thanh khoản hệ thống vẫn tương đối ổn định, và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm sau khi bật tăng lên 1,5% trong 4 ngày đầu tuần đã giảm nhiệt về chỉ còn 0,8%. Chênh lệch với lãi suất USD vẫn duy trì ở mức âm và áp lực về tỷ giá tiếp tục xuất hiện trong bối cảnh đồng USD mạnh lên toàn cầu trong tuần qua.
Ngày 18/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hút 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua công cụ tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày. Tổng cộng có 12 thành viên tham gia đấu thầu và tất cả đều trúng thầu. So với phiên 15/3, lãi suất trúng thầu đã nhích nhẹ thêm 0,02 điểm % lên 1,4%/năm, tương tự như những ngày trước đó.
Ngày 14/3, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ở mức 1,21%/năm, giảm so với hai phiên trước đó (1,47%/năm) nhưng cao hơn so với phiên 11/3 (0,76%/năm). Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đã giảm xuống 1,6%/năm, giảm so với mức 2,01%/năm ghi nhận hôm 13/3.
Động thái phát hành tín phiếu của NHNN có thể được xem như là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các NHTW, và không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ. Mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.
Tốc độ phát hành trong 6 phiên vừa qua là 15.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn đáng kể so với tốc độ trung bình của giai đoạn tháng 9-11/2023 là gần 10.300 tỷ đồng/phiên.
Với dư địa về thanh khoản hệ thống khá dồi dào (tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023), NHNN vẫn có thể tiếp tục duy trì hoạt động này ít nhất trong vòng 2 tuần tới.
Tỷ giá vẫn tiếp tục nóng
Mặc dù NHNN đã hút tổng cộng 90.000 tỷ đồng, tỷ giá vẫn tiếp tục nóng. Tỷ giá USD/VND có diễn biến kém tích cực.
Cụ thể, tỷ giá liên ngân hàng tăng 0,3% trong 1 tuần, và kết thúc phiên 15/03 tại 24.722 VND/USD – tương đương mức tăng 1,9% so với cuối năm 2023. Tỷ giá niêm yết của VCB đóng cửa quanh mức VND 24.540 – VND 24.910 – tăng 2% so với cuối năm 2023. Tỷ giá trên thị trường tự do dao động trong biên độ hẹp quanh vùng đỉnh lịch sử.
Trong tuần trước, số liệu kinh tế Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI hay chỉ số giá sản xuất PPI trong tháng 2 ghi nhận ở mức khá mạnh, trong khi doanh thu bán lẻ cải thiện tốt và khiến cho kỳ vọng về thời điểm Fed giảm lãi suất trong năm nay đã chuyển sang tháng 7, thay vì tháng 5 như một tháng trước.
Đồng USD, thông qua chỉ số DXY tăng tới 0,7% trong tuần qua và các đồng tiền chủ chốt đều giảm giá so với USD như JPY (-1,35%), EUR (-0,46%). Các đồng tiền trong khu vực Châu Á cũng có diễn biến tương tự như THB (-1,49%), KRW (-0,78%) hay TWD (-0,66%).
Trong tuần này sẽ có khá nhiều cuộc họp của NHTW các nước, với tâm điểm đến từ quyết định từ NHTW Nhật Bản. Đối với Fed và NHTW Anh, phần lớn thị trường đang kỳ vọng sẽ không có sự thay đổi lãi suất nào trong cuộc họp lần này.
Như đã phân tích trước đó, NHNN đã sử dụng kênh phát hành tín phiếu nhằm ổn định tâm lý và thu hẹp chênh lệnh lãi suất USD và VND, hạn chế xu hướng đầu cơ. Tuy nhiên, áp lực trên thị trường quốc tế vẫn khá mạnh và NHNN có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm việc cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các NHTM.
Theo nhiều chuyên gia, việc NHNN hút tiền thông qua kênh tín phiếu chủ yếu do áp lực tỷ giá. Các chuyên gia cũng cho rằng động thái này sẽ giúp ổn định tỷ giá và không có nhiều tác động tới thị trường chứng khoán. Đồng thời, việc tỷ giá ổn định còn có tác dụng tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty vay tiền bằng đồng USD.
Trung Anh