Nhà ở cho Gen Z: Vỡ mộng an cư khi thu nhập không theo kịp giá nhà
Một căn hộ nhỏ xinh giữa thành phố, chiếc chìa khóa đầu tiên đánh dấu sự độc lập, đó từng là hình dung quen thuộc về giấc mơ an cư. Nhưng với Gen Z, giấc mơ ấy đang ngày một xa vời, khi giá nhà không ngừng leo thang, trong khi mức thu nhập trung bình lại không tăng tương xứng.
Một căn hộ nhỏ xinh giữa thành phố, chiếc chìa khóa đầu tiên đánh dấu sự độc lập, đó từng là hình dung quen thuộc về giấc mơ an cư. Nhưng với Gen Z, giấc mơ ấy đang ngày một xa vời, khi giá nhà không ngừng leo thang, trong khi mức thu nhập trung bình lại không tăng tương xứng.
Gen Z và bài toán “mua, thuê, đầu tư”
Nhiều người trẻ đang chọn "thuê để sống - đầu tư để sinh lời", thay vì dốc toàn bộ tài sản để mua một căn nhà. Cũng có người lại chắt chiu từng đồng, theo đuổi hành trình sở hữu nhà đầu tiên dù biết sẽ phải đánh đổi cả tuổi trẻ.
Vậy thế hệ năng động, công nghệ hóa và không ngại dịch chuyển đang nghĩ gì về việc “an cư”? Họ chọn cách nào để thích nghi với thị trường bất động sản ngày càng khắc nghiệt?
Ở độ tuổi đôi mươi, thế hệ này không chỉ bắt đầu lập nghiệp, mà còn phải đối mặt với một bài toán hóc búa: Nên mua nhà để ổn định, thuê nhà để linh hoạt, hay đầu tư để sinh lời trước rồi tính chuyện an cư sau? Ba lựa chọn, ba lối rẽ, nhưng không phải ai cũng có câu trả lời giống nhau.

Nguyễn Thảo Anh (25 tuổi, nhân viên sáng tạo nội dung tại Hà Nội) là một điển hình cho tư duy thực tế của nhiều bạn trẻ hiện nay. Với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng, Thảo Anh không nghĩ đến chuyện mua nhà trong 5 năm tới.
“Tôi thuê một căn studio ở quận Hoàng Mai, vừa tiện đi làm, vừa có không gian sống như mình muốn. Nếu cố gắng vay ngân hàng để mua nhà, tôi sẽ phải gồng mình trả nợ 20 năm. Mà cuộc sống thì không đợi mình ổn định mới cho rẽ hướng”, cô gái chia sẻ. Thay vào đó, Thảo Anh đầu tư nhỏ vào chứng khoán và tiết kiệm đều đặn mỗi tháng để tìm kiếm những cơ hội sinh lời trong ngắn hạn.
Trái ngược với Thảo Anh, Ngô Quang Bảo (28 tuổi, kỹ sư công nghệ ở Hà Nội) lại chọn lối đi “mua sớm để bớt lo”. Bảo gom góp cùng gia đình mua một căn hộ 55m2 tại khu ven đô từ năm 26 tuổi, vay ngân hàng gần một nửa giá trị. Dù mỗi tháng phải dành gần 50% thu nhập để trả nợ, Bảo vẫn tin rằng “có nhà là có cái nền để xây dựng tương lai”.
“Tôi chấp nhận hạn chế chi tiêu, không đi chơi nhiều, không đổi điện thoại xịn... Nhưng mỗi lần về nhà, thấy cửa đóng, nhà sáng, tôi yên tâm hơn rất nhiều”, Bảo nói.
Nhìn vào hai câu chuyện trên, có thể thấy Gen Z không ngại lựa chọn những hướng đi khác nhau, miễn là phù hợp với khả năng và triết lý sống của mình. Người chọn thuê vì đề cao tự do và tính linh hoạt, người chọn mua vì muốn có điểm tựa để an tâm xây dựng cuộc đời. Nhưng dù đi theo hướng nào, họ đều phải cân đo đong đếm kỹ càng - bởi bài toán nhà ở giờ đây không còn chỉ là chỗ ở, mà là chiến lược sống dài hạn.
Khi giấc mơ nhà ở cần tư duy mới
“An cư lạc nghiệp”, tư tưởng ấy từ bao đời nay vẫn là đích đến được nhiều người xem như biểu tượng của thành công. Nhưng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nơi giá nhà tăng nhanh hơn thu nhập, “giấc mơ sở hữu nhà” đã không còn chỉ là câu chuyện cố hữu về gạch, ngói và đất đai.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang chứng kiến một làn sóng chuyển dịch trong tư duy nhà ở. Tại Nhật Bản, người trẻ có xu hướng chọn “sống thuê cả đời” trong những căn hộ nhỏ, đầy đủ tiện ích, thay vì gồng mình vay mua một căn hộ cố định. Ở các đô thị châu Âu như Berlin hay Amsterdam, khái niệm “co-living” (sống chung không chỉ để chia sẻ chi phí, mà còn chia sẻ phong cách sống) đang dần định hình lại cách người trẻ nghĩ về chốn đi về.
Chuyên gia Quản Thành Vĩnh đề xuất một số giải pháp cụ thể: Phát triển mô hình nhà ở cho thuê dài hạn, đặc biệt là tại các khu đô thị vệ tinh, gần khu công nghiệp, trường đại học, với giá thuê ổn định, hợp lý và chất lượng sống đảm bảo. Hỗ trợ tài chính cho người trẻ thuê nhà, thông qua các gói vay ưu đãi, trợ cấp thuê nhà cho người thu nhập thấp trong độ tuổi dưới 35.
Tăng cường quỹ đất dành cho nhà ở xã hội dạng thuê chứ không chỉ là nhà ở để bán, đồng thời ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển mô hình này. Nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ tầng tại các khu nhà cho thuê, nhằm giảm sự phân biệt giữa nhà thuê và nhà sở hữu - để người trẻ không cảm thấy bị “thiệt thòi” khi lựa chọn thuê thay vì mua.
Thạc sĩ Quản Thành Vinh (chuyên gia Bất động sản) cho biết, tại Việt Nam, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giá nhà trung bình hiện đã gấp từ 20 - 30 lần thu nhập hàng năm của người trẻ, một tỉ lệ nằm trong nhóm “cao ngất” so với chuẩn quốc tế. Điều này buộc một bộ phận Gen Z và Millennials (thế hệ thiên niên kỷ) phải thay đổi chiến lược: Từ “mua sớm để ổn định” sang “thuê linh hoạt, đầu tư thông minh, sống có trải nghiệm”.
Giấc mơ nhà ở không còn bó buộc trong một căn hộ đứng tên mình, mà mở rộng ra thành việc xây dựng sự độc lập tài chính, sở hữu tài sản phù hợp và giữ được chất lượng sống tích cực.
Tư duy mới này không có nghĩa là phủ định giá trị của việc mua nhà, nhưng nó đặt câu hỏi sâu hơn: Mình mua nhà để làm gì? Để có chốn nương thân? Để thể hiện thành công? Hay để bảo toàn tài sản? Với mỗi câu trả lời khác nhau, lối đi sẽ khác nhau, và đó là lý do người trẻ ngày nay cần một bản đồ mới cho giấc mơ an cư.
Theo ông Quản Thành Vinh, việc sở hữu nhà không còn là “chuẩn sống” duy nhất đối với người trẻ trong bối cảnh hiện nay.
“Chúng ta không nên mặc định rằng mọi người trẻ đều phải mua nhà. Thay vào đó, cần thiết lập các chính sách giúp họ có thể “sống tốt”, dù là thuê hay mua. Kiểm soát giá thuê nhà, nâng cấp chất lượng căn hộ cho thuê, phát triển thêm các loại hình nhà ở linh hoạt như căn hộ thông minh, nhà ở chia sẻ… là những hướng đi cần thiết. Khi nhu cầu sống và làm việc ngày càng linh hoạt, thì chính sách cũng phải phản ánh sự thay đổi đó”, ông Vinh nhận định.
Chuyên gia này cho rằng, thay vì chỉ dồn nguồn lực vào việc “giúp người trẻ mua nhà”, cần mở rộng hơn các chính sách hỗ trợ “giúp người trẻ sống tử tế và hiệu quả với nguồn lực hiện có”.
Gần đây, xuất hiện thông tin, có những dự án nhà ở xã hội giá từ 13,5 triệu đến 15 triệu đồng/m2 (đã gồm Thuế VAT) đã phần nào thắp lên hy vọng, rằng mặt bằng giá nhà có thể hạ xuống giá trị thật để các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận nhà ở.
Bảo Thoa