Nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có sự cải thiện
Năm 2024, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã có sự cải thiện, thị trường ghi nhận khoảng 4.400 sản phẩm mới mở bán, tăng 40% so với năm 2023.
Dữ liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) về thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cho thấy, thanh khoản phân khúc này ghi nhận kết quả tích cực. Tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận khoảng 2.500 giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng hơn 50%.
Kết quả phục hồi tích cực của ngành Du lịch, cũng được cho là căn cứ vững chắc, bệ phóng quan trọng thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Bởi lẽ, du lịch cần một hệ thống hạ tầng từ giao thông đến cơ sở lưu trú chất lượng để đảm bảo và duy trì tính hấp dẫn, không chỉ “níu chân du khách” mà còn thúc giục du khách quay trở lại.
Theo đó, năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.
2024 cũng là năm chứng kiến sự quay trở lại đầy tự tin của một số ít dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn. Đặc biệt, lần đầu tiên, sau một thời gian dài im ắng mới có một dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng “phủ sóng” rầm rộ trên thị trường, do đó, VARS cho rằng, điều này thể hiện một sự nỗ lực vô cùng lớn của chủ đầu tư.
Trong thời gian tới, cùng với kết quả phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch, cơ hội mở hơn từ hành lang pháp lý, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ cho thấy những kết quả xứng đáng với nỗ lực trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, cần đảm bảo những yếu tố sau thì phân khúc này mới có thể tuy chậm, nhưng chắc.
Thứ nhất, đảm bảo sự chuẩn chỉ về mặt pháp lý. Hành lang pháp lý mới đã ngày càng “chặt” hơn với việc đầu tư, phát triển các dự án bất động sản. “Cuộc chơi mới” chỉ dành cho những chủ đầu tư chuẩn chỉ, có năng lực và sức khỏe tài chính tốt. Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, vốn đã đang “nhạy cảm” về pháp lý, lại càng cần phải chuẩn chỉ. Có như vậy mới nhận được niềm tin từ khách hàng/nhà đầu tư.
Thứ hai, cần xác định sản phẩm là quan trọng, hoạt động khai thác vận hành là then chốt. Doanh nghiệp cần đầu tư đúng mực cho khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm, để đảm bảo đưa ra những dòng sản phẩm mới, không ngừng cải tiến nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách hàng/nhà đầu tư. Các sản phẩm bất động sản này cũng cần đưa vào quy trình khai thác vận hành chuyên nghiệp, trơn chu để đảm bảo tính hiệu quả, có như vậy mới bền được.
Thứ ba, đầu tư phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không thể tách rời câu chuyện phát triển hạ tầng giao thông và ngành du lịch, dịch vụ. Bởi đây được coi là trợ lực chính, có yếu tố quyết định tới bài toán hiệu quả của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.