Giải pháp phát triển và xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam
Ngày 25/05, tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia diễn ra Hội nghị Giải pháp phát triển và Xúc tiến đầu tư: Bất động sản Du lịch Nông Nghiệp Việt Nam do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) và Tổng cục Du lịch chỉ đạo tổ chức.
Đây là lần đầu tiên một sự kiện bàn về các giải pháp và xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp quy mô được diễn ra với mục tiêu có một chương trình hành động với các giải pháp kết nối nhằm tạo động lực, xung lực mới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh: “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”.
Hội nghị Giải pháp phát triển và Xúc tiến đầu tư: Bất động sản Du lịch nông nghiệp Việt Nam được tổ chức với mục tiêu kêu gọi các nhà đầu tư bằng các nguồn lực tài chính, tư duy quản trị, nhân lực chất lượng cao... tham gia cải tạo các bất động sản nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tạo động lực, xung lực mới cho phát triển thị trường bất động sản.
TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: Hội nghị tổ chức với mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp bất động sản và địa phương, các ngành nhằm đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, trong đó có bất động sản nông – lâm – ngư nghiệp phục vụ ngành du lịch. Một trong các vấn đề quan trọng là: sự đồng bộ về Luật, cơ chế chính sách đến quy hoạch và chương trình đầu tư phát triển, quản lý giữa các lĩnh vực: Du lịch – Bất động sản – Nông nghiệp – với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trong phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, chính sách phát triển du lịch nông nghiệp được Chính phủ quan tâm đã tạo động lực cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, những loại hình du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác. Một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tham gia phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp.
Chính vì vậy, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường bất động sản nói chung và phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp nói riêng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Khi hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản… cần bổ sung một số điều tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho bất động sản du lịch nông nghiệp vận hành, phát triển thông suốt, đồng bộ, lành mạnh, sau đó cụ thể hóa hơn bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Theo đó, đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào Điều 3 phần giải thích từ ngữ một điều khoản quy định hiểu như thế nào là đất du lịch nông nghiệp?
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, đây là loại đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nhưng không phải là sản xuất nông nghiệp thuần túy mà là sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, vừa tạo ra các nông sản hàng hóa vừa phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, lưu trú, khám phá; trải nghiệm của khách nội địa và quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Chung - Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trong nông nghiệp là hết sức cần thiết. Ngày 24/5/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Ngày 21/6/2022, Văn phòng chính phủ có Văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng ý. Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại như trên, khi được Chính phủ ban hành sẽ tháo gỡ khó khăn cho cả chủ trang trại và cơ quan quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý để kinh tế trang trại phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Thanh Tùng – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp – Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước có hai lợi thế rất lớn trong việc phát triển du lịch nghiệp.
Thứ nhất là Việt Nam có nền nông nghiệp lâu đời. Ở nước ta, lực lượng nông nghiệp rất đông đúc với tính cách chịu thương, chịu khó và có nhiều kinh nghiệm canh tác. Khí hậu Việt Nam cũng rất thuận lợi cho việc phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi.
Thứ hai, Việt Nam là quốc gia có vị trí nằm ở trung tâm Đông Nam Á; là cầu nối giao thông đường bộ của Campuchia, Lào ra biển Đông; loại hình giao thông hàng không và đường biển cũng có nhiều thuận lợi.
“Nếu tận dụng được hai lợi thế này thì du lịch nông nghiệp tại Việt Nam sẽ được đẩy mạnh và đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội”, ông Tùng nói.
Cụ thể, khi du lịch nông nghiệp Việt Nam được phát triển xứng tầm sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, tăng thu nhập cho các nông hộ. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, phát triển du lịch nông nghiệp đúng nghĩa sẽ còn giữ gìn, bảo tồn các di sản, phát triển văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp cũng là giúp Việt Nam đón đầu xu hướng chuyển dịch du lịch của thế giới; tạo ra các sản pẩm du lịch khác biệt cho Việt Nam gia tăng khả năng cạnh tranh; thúc đẩy phát triển các ngành liên quan đến du lịch và nông nghiệp như vận tải hàng hoá, tiêu dùng, giáo dục…
Vì vậy, Việt Nam cần định vị thương hiệu quốc gia về du lịch nông nghiệp. Chỉ khi có sự đồng nhất giữa các cấp cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân thì Việt Nam mới có thể phát triển mô hình du lịch nông nghiệp bền vững.
Hội nghị tập trung vào các vấn đề xoay quanh chính sách của Chính phủ, địa phương và cơ hội đầu tư… Tất cả đều được các chuyên gia nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng và chia sẻ thông tin tại Hội nghị.
Thông qua Hội nghị, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng như giúp các địa phương nắm bắt xu hướng, nhu cầu của các nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện giao lưu quốc tế tại địa phương và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Kiến Tài