Nghệ An: Phấn đấu ngành du lịch sẽ trở thành kinh tế mũi nhọn
Với quyết tâm phấn đấu trong tương lai sẽ đưa Nghệ An phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tỉnh, và trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của cả nước.
Ngày 15/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững.
Theo đó, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng
Tại tỉnh Nghệ An, ngành du lịch tiếp tục duy trì đà phục hồi tốt từ sau mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch. Kết quả 10 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đạt 7.650.000 lượt, bằng 125% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách lưu trú đạt 4.860.000 lượt, bằng 123% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 92% kế hoạch năm 2023; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 6.980 tỷ đồng bằng 138% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 89.5% kế hoạch năm 2023. Dự ước năm 2023, tổng lượng khách du lịch đạt 8.360.000 lượt khách, bằng 127% so với năm 2019, bằng 124% so với năm 2022, trong đó khách lưu trú đạt 5.280.000 lượt bằng 111,8% so với năm 2019, bằng 120% so với năm 2022. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 170% so với năm 2019, bằng 139% so với năm 2022.
Tuy nhiên, du lịch Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, tốc độ phục hồi khách quốc tế chậm, quy mô hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhỏ lẻ, hoạt động liên kết phát triển du lịch chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch thiếu hụt.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhiệm vụ phát triển du lịch được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian tới tỉnh Nghệ An đề xuất với Chính phủ, Quốc hội xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù, nổi trội riêng cho Nghệ An nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nói riêng. Tích hợp, gắn kết chặt chẽ các yếu tố du lịch trong các ngành, lĩnh vực khác nhằm tập trung nguồn lực trong xây dựng và hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh...
Theo Thủ tướng Chính phủ- Phạm Minh Chính khẳng định: Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự quản lý chặt chẽ của cấp ủy đảng, cấp chính quyền, sự quản lý thống nhất của nhà nước, phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường khả năng thực thi, giám sát, kiểm tra, kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, các thủ tục không cần thiết...
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng hiệu quả, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở tận dụng, phát huy các tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, văn hóa truyền thống, không hi sinh an sinh xã hội, không hi sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Hị vọng với những cố gắng, nổ lực của cả hệ thống chính trị sẽ giúp Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Diễm Phước