0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 10/10/2024 07:13 (GMT+7)

Ngành thép sẵn sàng chuyển đổi xanh để thích ứng với cơ chế CBAM

Theo dõi KT&TD trên

EU là một thị trường rất lớn với ngành thép, do đó, những quy định của EU đều được các doanh nghiệp trong ngành nghiên cứu để có sự chuyển đổi phù hợp, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường nhằm duy trì thị phần xuất khẩu.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, năm 2023, ngành thép sản xuất được khoảng 20 triệu tấn thép thô. Nhờ đó, Hiệp hội Thép thế giới đã xếp hạng công nghiệp thép Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về sản xuất thép thô; đứng đầu châu Á và Đông Nam Á về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 11,1 triệu tấn sắt thép vào năm 2023, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8,35 tỷ USD, tăng 4,5%.

Trong đó, xuất khẩu sang EU chiếm gần 23% tổng lượng thép xuất khẩu của cả nước, đạt gần 2,55 triệu tấn, tăng 86,2% so với năm 2022, kim ngạch đạt hơn 1,89 tỷ USD, tăng 29,0%.

Trong EU, xuất khẩu sang các thị trường Ialia, Bỉ và Tây Ban Nha đều tăng mạnh.

Ngành thép sẵn sàng chuyển đổi xanh để thích ứng với cơ chế CBAM
Ngành thép sẵn sàng chuyển đổi xanh để thích ứng với cơ chế CBAM

Tại Việt Nam, thép là một trong 6 ngành đầu tiên chịu tác động trực tiếp của cơ chế carbon biên giới EU (CBAM).

Ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký VSA cho biết, khi bắt đầu manh nha có cơ chế CBAM, các doanh nghiệp ngành thép đã bắt đầu tiến hành tìm hiểu các thông tin liên quan đến cơ chế này với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Hiệp hội đã cập nhật thông tin về CBAM từ sớm trong bản tin hàng tháng để các doanh nghiệp xác định rõ mức độ ảnh hưởng của cơ chế này đến sản lượng cũng như doanh thu xuất khẩu thời gian tới.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tư vấn để tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về CBAM, giúp các doanh nghiệp nắm được lộ trình của CBAM. Thông qua những hội thảo, hội nghị chuyên đề cũng như những thông tin trên tạp chí hàng tháng, doanh nghiệp ngành thép đã hiểu sơ bộ tình hình và chủ động trong công tác ứng phó.

Dẫn chứng cụ thể về sự chuẩn bị của doanh nghiệp ngành thép, ông Đinh Quốc Thái cho biết, thời gian qua, Tôn Phương Nam, Tập đoàn thép Hòa Phát và một số doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu sang EU đã ưu tiên, tạo điều kiện để các cán bộ, nhân viên tham gia khóa đào tạo bài bản tìm hiểu về cơ chế CBAM.

Cùng với sự chuẩn bị về nhân lực, các doanh nghiệp ngành thép đã tích cực, chủ động áp dụng công nghệ tiên tiến trong các hoạt động hàng ngày cũng như trong vận hành sản xuất để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon, tiến tới chuyển đổi xanh và áp dụng các giải pháp sản xuất thép xanh hơn.

“Đến nay, Hiệp hội Thép Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện dự thảo lộ trình trung hòa carbon từ nay đến năm 2050 phù hợp với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó làm tài liệu hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong ngành có chiến lược cũng như kế hoạch cần thiết để chuyển đổi xanh và ứng phó kịp thời với CBAM”, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam nhấn mạnh.

Thép là một ngành công nghiệp then chốt, sử dụng các công nghệ hiện đại, với chi phí đầu tư rất lớn. Vì vậy, ngành thép muốn chuyển đổi để thích ứng với cơ chế như CBAM hay chuyển đổi xanh thì phải có những bước đi phù hợp, với tầm nhìn tương ứng.

Trong thời gian tới, để thích ứng với CBAM, các doanh nghiệp ngành thép mong muốn sớm được Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, gắn với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững, đồng thời, có những cơ chế đặc thù cho ngành thép Việt Nam để chuyển đổi xanh cũng như sản xuất bền vững.

Hiệp hội VSA đề nghị các doanh nghiệp trong ngành xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh đến năm 2050, phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Bên cạnh đó, Hiệp hội VSA gợi mở một số giải pháp cho các doanh nghiệp trong ngành. Thứ nhất, tiếp tục chuyển đổi số để áp dụng các công nghệ số vào quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa các cơ sở thiết bị hiện tại để tiết kiệm năng lượng cũng như kiểm soát được quá trình phát thải. Thứ hai, trong chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp, bố trí đầu tư, nghiên cứu các dự án để chuyển đổi nhanh nhất sang quá trình sản xuất thép xanh, phù hợp với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Thứ ba, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan trong chuỗi cung ứng của ngành, từ việc mua nguyên liệu đến các sản phẩm phụ, năng lượng và vận tải… để xây dựng chuỗi cung ứng xanh.

Cuối cùng, tiếp tục phát triển các sản phẩm mới; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với quá trình sản xuất xanh, cung ứng sản phẩm thép xanh.

Tổng thư ký VSA hi vọng, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối sẽ hướng dẫn và có những giải pháp cụ thể, giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thép nói riêng thích ứng với cơ chế CBAM, từ đó, giúp doanh nghiệp thép chuyển đổi thành công và có những sản phẩm thép xanh cung ứng ra thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn để tiếp tục chinh phục thị trường EU.

Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của EU (gọi tắt là CBAM) là một cơ chế mới, với những quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến kiểm đếm, đo đếm phát thải CO2, phát thải khí nhà kính mà doanh nghiệp phải tuân thủ khi xuất khẩu hàng hóa sang EU. Tại Việt Nam, 6 ngành chịu ảnh hưởng của CBAM gồm: sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và khí hydro.

Bạn đang đọc bài viết Ngành thép sẵn sàng chuyển đổi xanh để thích ứng với cơ chế CBAM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lấp lỗ hổng "tiền buông, hậu bỏ" ngăn hàng giả, hàng nhái
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng tính răn đe, dự thảo luật bổ sung xử lý hình sự, thu hồi giấy phép, công bố các vi phạm của doanh nghiệp trên nền tảng số quốc gia.
Giá vàng trong nước giảm, nhiều người tranh thủ mua vào
Ngày 16/5, thị trường vàng trong nước ghi nhận những biến động mạnh với giá liên tục đảo chiều. Mỗi đợt điều chỉnh đều ghi nhận mức tăng, giảm lên tới cả triệu đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Tin mới

Nhà đầu tư sắp đón "mưa" cổ tức
Mùa chi trả cổ tức hàng năm luôn thu hút sự quan tâm lớn từ các cổ đông, không chỉ vì khoản lợi nhuận nhận được mà còn bởi đây thường là thời điểm cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ.
Kinh tế tư nhân trong làn sóng FDI: Cơ hội và thách thức song hành
Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong những năm gần đây đã và đang tạo ra những tác động đa chiều, sâu rộng đến nền kinh tế, trong đó khu vực kinh tế tư nhân trong nước đứng trước những cơ hội phát triển chưa từng có, song cũng đối mặt với không ít thách thức cam go.
Tổng tiến công buôn lậu, hàng giả; xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực không vùng cấm, không ngoại lệ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5 2025 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.