Nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử số hóa
So với các mô hình kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội được tiếp xúc với các dịch vụ thuận tiện hơn trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.
Ngày 12/6, với chủ đề “Một số cập nhật về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử”, hội thảo hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp do Cục Phát triển doanh nghiệp (AED) (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến hay từ các chuyên gia.
Chuyển đổi số và thương mại điện tử: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng
Trong thập kỷ vừa qua, công nghệ thông tin đã thay đổi đáng kể cách thức thương mại. Giao dịch ngày nay có thể diễn ra trực tuyến thông qua website của người bán hoặc các nền tảng thương mại điện tử khác, giúp dễ dàng thực hiện giao dịch xuyên quốc gia.
Theo bà Phạm Quế Anh từ GIZ, việc chuyển đổi số và phát triển thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ mở rộng phạm vi kinh doanh cho các doanh nghiệp, tăng cường xuất khẩu và giảm chi phí hoạt động. Các doanh nghiệp còn có thể tận dụng công nghệ để nghiên cứu thị trường và thu thập thông tin về người tiêu dùng, mở rộng thị trường qua các mô hình kinh doanh mới như kinh tế nền tảng và mạng xã hội. Điều này cũng mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như sự thuận tiện khi so sánh sản phẩm và giá cả trên các nền tảng thương mại điện tử, giảm chi phí giao dịch và mở rộng lựa chọn mua sắm.
Mặc dù các nền tảng thương mại điện tử mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng đồng thời đối mặt với nhiều thách thức. Sự gia tăng số lượng người tiêu dùng cùng với sự cạnh tranh toàn cầu khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với các đối thủ từ khắp nơi trên thế giới. Việc thiếu hiểu biết về các quy định pháp lý quốc tế hoặc của các quốc gia khác có thể dẫn đến rủi ro pháp lý và tranh chấp liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, các vấn đề như lừa đảo trực tuyến, cạnh tranh không lành mạnh và lạm dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường bởi các doanh nghiệp mạng lớn cũng gây ra nhiều thách thức đáng kể đối với các doanh nghiệp.
Bà Quế Anh cũng nhận định rằng người tiêu dùng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong khi sử dụng các nền tảng thương mại điện tử. Quyền riêng tư của họ có thể bị đe dọa do việc thu thập dữ liệu mà không có sự đồng ý, cũng như rủi ro theo dõi và rò rỉ thông tin cá nhân. Hơn nữa, các nền tảng này thường thiếu thông tin đầy đủ về sản phẩm, dịch vụ và các chính sách liên quan, làm cho việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trở nên khó khăn hơn. Điều này cho thấy, mặc dù chuyển đổi số và thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích, nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Cần thúc đẩy các biện pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tại hội thảo, bà Sita Zimpel, Giám đốc Dự án ASEAN SME của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), đã chia sẻ về nhiều cam kết quốc tế đã được thiết lập để khuyến khích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong ngữ cảnh của sự chuyển đổi số và thương mại điện tử. Trong khu vực ASEAN, Kế hoạch hành động chiến lược bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2025 đã được các quốc gia thành viên phê chuẩn. Đặc biệt, vào năm 2023, ASEAN đã giới thiệu Bộ hướng dẫn Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Những nỗ lực này đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng, hướng tới sự hài hòa hóa các quy định pháp luật giữa các quốc gia trong khu vực, từ đó thúc đẩy thương mại bền vững.
Tương tự tại Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cũng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2024 để hài hòa với các cam kết quốc tế và giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.
Theo ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng ban, Ban Bảo vệ người tiêu dung thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 mở rộng phạm vi đối với cả những doanh nghiệp nước ngoài cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng ở Việt Nam. Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có rất nhiều quy định mới liên quan đến việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cung cấp dịch vụ nền tảng số, dịch vụ liên tục, trách nhiệm cung cấp thông tin, thu hồi sản phẩm.
Ông Phạm Văn Hùng, Đại diện Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lưu ý để bảo vệ quyền lợi của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trên không gian thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các văn bản, thủ tục và phương thức tiếp nhận khiếu nại phù hợp với người tiêu dùng. Ông Hùng cho rằng việc thiết lập quy trình xử lý khiếu nại hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tuân thủ quy định pháp luật mà còn tạo dựng lòng tin với khách hàng.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công khai và cung cấp thông tin về sản phẩm. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, việc minh bạch thông tin sản phẩm không chỉ là một yêu cầu bắt buộc mà còn là yếu tố then chốt giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm thông thái. Thông tin chi tiết về xuất xứ, thành phần, hướng dẫn sử dụng và chính sách bảo hành sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm trực tuyến, đồng thời nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Các biện pháp này không chỉ đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng mà còn mang lại lợi ích lớn, lâu dài cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, việc tuân thủ những biện pháp này giúp xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và bền vững, đồng thời tăng cường uy tín và thu hút khách hàng. Với người tiêu dùng, các biện pháp này bảo vệ quyền lợi và an toàn khi mua sắm trực tuyến, nâng cao sự tin tưởng và lựa chọn của họ.
Ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Đây là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.