Mã QR truy xuất nguồn gốc: Hàng rào bảo vệ người tiêu dùng
Trong bối cảnh thực phẩm không rõ nguồn gốc, chứa chất cấm, kháng sinh vượt ngưỡng, sản phẩm kém chất lượng... xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường,
Truy xuất nguồn gốc đang không chỉ là giải pháp kiểm soát chất lượng, mà còn là công cụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, xây dựng niềm tin người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo xu hướng chung của thế giới, nhiều tổ chức và quốc gia đã xác định truy xuất nguồn gốc là yếu tố then chốt trong chuỗi sản xuất, phân phối thực phẩm. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, các thị trường xuất khẩu ngày càng đòi hỏi cao về sự minh bạch, an toàn thực phẩm và khả năng kiểm soát thông tin từ trang trại đến bàn ăn.
Tại Việt Nam, ngày càng nhiều người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm có tem mác, nhãn truy xuất rõ ràng để đảm bảo an toàn cho gia đình. Việc quét mã QR, kiểm tra nguồn gốc sản phẩm trở thành hành vi tiêu dùng thông minh, giúp loại bỏ nỗi lo về hàng không chính hãng, thực phẩm bẩn và lừa đảo thương hiệu.

Sự phát triển của công nghệ số góp phần đưa truy xuất nguồn gốc đến gần hơn với người dân. Công cụ quét mã QR trên sản phẩm giúp người tiêu dùng nhanh chóng kiểm tra thông tin về nguồn gốc, thành phần, hạn sử dụng và nhà sản xuất. Không chỉ là tiện ích hỗ trợ mua sắm minh bạch, mã QR còn là “lá chắn” giúp cơ quan chức năng ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, nơi rủi ro về sản phẩm kém chất lượng luôn hiện hữu.
Nhằm thúc đẩy quá trình này, cơ quan chức năng đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất tiếp cận công nghệ truy xuất. Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện đã cấp trên 12.000 bộ mã truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đồng thời triển khai kiểm tra, xác minh thông tin sản phẩm tại nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến thực phẩm.
Còn theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong thời đại số hóa, việc truy xuất là một phần không thể thiếu trong hành vi tiêu dùng thông minh. Việc này không chỉ giúp người mua tránh hàng giả, mà còn giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, tạo dựng niềm tin thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của hệ thống phân phối hiện đại.
Theo định hướng từ Bộ Công Thương, việc xây dựng hệ thống phân phối xanh, chuyển đổi các chợ đầu mối thành trung tâm logistics minh bạch và bền vững sẽ là bước đi quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm từ đầu nguồn. Song song với đó là việc đào tạo doanh nghiệp nâng cao nhận thức, áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho sản phẩm.
Tại Hà Nội, hiện đang áp dụng hai hình thức truy xuất: Thông qua hồ sơ giấy tờ và quét mã số điện tử như QR Code hoặc mã vạch. Đây là cách giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý có thể tiếp cận dòng thông tin xuyên suốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Đối với các doanh nghiệp làm ăn bài bản, truy xuất nguồn gốc không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu nếu muốn xây dựng thương hiệu bền vững. Truy xuất nguồn gốc chính là thông điệp chất lượng được gửi trực tiếp tới người tiêu dùng, thể hiện sự minh bạch và trách nhiệm của nhà sản xuất.
Truy xuất nguồn gốc còn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát thị trường, giúp cơ quan chức năng truy vết sản phẩm không đạt chuẩn, thu hồi nhanh chóng khi có rủi ro xảy ra. Đây cũng là nền tảng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình khiếu nại, kiểm định và xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, để hoạt động truy xuất thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự tham gia đồng bộ từ cả ba phía: Nhà nước với vai trò xây dựng hạ tầng và chính sách; doanh nghiệp với trách nhiệm minh bạch sản phẩm; và người tiêu dùng với hành vi tiêu dùng chủ động và thông minh. Việc siết chặt quy định bắt buộc về dán mã truy xuất trên bao bì, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố quyết định sự thành công của hệ thống này.
Truy xuất nguồn gốc không chỉ là công cụ kỹ thuật, mà còn là tiêu chuẩn văn hóa mới trong tiêu dùng và sản xuất hiện đại. Đây là bước tiến tất yếu để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và góp phần xây dựng thị trường tiêu dùng minh bạch, văn minh.
T.An