Lý giải nguyên nhân Việt Nam tăng mạnh xuất rau quả sang Trung Quốc
Xuất khẩu sầu riêng tăng vọt đã giúp Việt Nam vượt Chile trở thành nước xuất khẩu rau quả lớn thứ 2 sang Trung Quốc.
Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy năm 2023, xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của các nước sang đây đạt 24,4 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 8,6 tỷ USD, chiếm 36% thị phần tại thị trường này. So với cùng kỳ năm 2022, thị phần của Thái Lan giảm gần 2%.
Đứng vị trí thứ 2 là Việt Nam với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023. Việt Nam nổi lên như một hiện tượng và vượt hẳn Chile - quốc gia nhiều năm liền đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc.
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, nguyên nhân khiến Việt Nam vượt Chile về thị phần rau quả là nhờ kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến. Cùng với đó, Trung Quốc đang tăng mạnh nhập rau quả chế biến từ Việt Nam nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng vọt.
Hiện, Việt Nam là đối thủ "nặng ký" mà Chile và Thái Lan dè chừng. Năm nay khi sầu riêng đông lạnh, bơ, dừa của Việt Nam được xuất chính ngạch sang thị trường này, kim ngạch sẽ bùng nổ và thị phần giữa các nước xuất khẩu vào Trung Quốc tiếp tục được chia lại. Ngoài có nguồn cung dồi dào, Việt Nam đang có lợi thế hơn hai quốc gia trên về chi phí, thời gian vận chuyển. Khí hậu Việt Nam cũng thuận lợi hơn so với các quốc gia trên.
Thống kê Hiệp hội rau quả Việt Nam cho thấy, năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 493.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam, với trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022.
Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh lên 34,6%. Giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt hơn 4.332 USD/tấn.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho rằng, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường 1,4 tỷ dân như Trung Quốc hiện rất lớn. Trước đây, Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng chủ yếu cho Trung Quốc, năm ngoái thị phần giảm xuống còn hơn 65%, đạt 929 nghìn tấn, trị giá 4,57 tỷ USD.
Theo ông Nguyên, đến năm 2025, nhu cầu sầu riêng của thị trường Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Cộng tất cả các nước xuất khẩu sầu riêng ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường này. Do đó, tiềm năng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc còn nhiều dư địa.
Đặc biệt, trong năm nay, Trung Quốc sẽ mở cho sầu riêng đông lạnh của Việt Nam nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
Để xuất khẩu ngày càng thuận lợi, ông Nguyên cho rằng người sản xuất và doanh nghiệp thu mua cần liên kết chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đối với hàng chế biến nâng cao mẫu mã và đáp ứng đúng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu .
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng áp đảo 60% tổng kim ngạch ngành.