0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 05/04/2025 11:01 (GMT+7)

Loạt giải pháp trước 'bão' thuế quan mới từ Mỹ

Theo dõi KT&TD trên

Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2025 vào chiều ngày 4/4, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) đã nêu loạt giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp “trụ vững” trước làn sóng thuế quan mới từ Mỹ.

Cụ thể thông tin tại buổi họp báo, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho biết, Việt Nam rất quan ngại khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam.

Theo ông Linh, mức thuế nhập khẩu ưu đãi trung bình của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do vậy, việc Hoa Kỳ đang đánh giá Việt Nam áp mức thuế 90% lên hàng hóa của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ áp thuế cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại, xây dựng quan hệ thương mại hài hòa, bền vững giữa hai nước.

Loạt giải pháp trước 'bão' thuế quan mới từ Mỹ - Ảnh 1
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) thông tin về việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam.

“Hiện tại Bộ Công thương đang thu xếp cuộc điện đàm ở cấp bộ trưởng, cũng như ở cấp kỹ thuật với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ và Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong thời gian sớm nhất”, ông Linh thông tin.

Lãnh đạo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho biết thêm, thời gian tới, thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ, Bộ Công thương sẽ phối hợp cùng các bộ ngành liên quan duy trì trao đổi chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ, phối hợp với Hoa Kỳ xử lý những vấn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại song phương, cũng như nghiên cứu những khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại phù hợp trong tình hình mới, phục vụ lợi ích cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Ông Linh cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã có sự chuẩn bị, ứng phó trước việc Hoa Kỳ áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này.

"Đây là vấn đề mà Bộ Công thương đã có dự báo ngay từ khi Tổng thống Trump ra tranh cử. Đặc biệt, sau khi Tổng thống Trump đắc cử, Bộ Công thương đã có báo cáo chi tiết với lãnh đạo Chính phủ về các phương án, kịch bản xảy ra" - ông Linh nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã lập tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Công thương làm Tổ phó Tổ công tác, thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Bộ Công thương là cơ quan thường trực của tổ công tác.

Để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, ông Tạ Hoàng Linh cũng nêu giải pháp, khuyến nghị từ Bộ Công thương.

Theo đó, thời gian tới các Bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra, nhằm đạt được sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025. trong đó tập trung:

Thứ nhất, tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 Hiệp định Thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương: Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, các FTA...

Thứ hai, đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới như: Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.

Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Bốn là, hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển.

Năm là, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo sớm và xử lý kịp thời với các nguy cơ vụ kiện hoặc vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại xảy ra cho Việt Nam.

Sáu là, kiến nghị với Chính phủ mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Bảy là, Bộ Công Thương nhận định, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời là cơ hội thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước thực hiện các biện pháp sau:

Thứ nhất, chủ động cập nhật thông tin thị trường. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Liên quan đến giải pháp này, Bộ Công Thương sẽ cùng các cơ quan thương vụ đồng hành cùng các doanh nghiệp để thường xuyên cung cấp thông tin thị trường.

Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.

Thứ ba, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thứ tư, kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu, chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.

Thứ năm, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại: Nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thường xuyên thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.

Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thương mại quốc tế và duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đồng thời tích cực nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Loạt giải pháp trước 'bão' thuế quan mới từ Mỹ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá USD tăng mạnh, lần đầu chạm mốc 26.000 đồng
Sáng 3/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tại 24.854 đồng, tăng nhẹ 3 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán trong vùng 23.611 - 26.096 đồng 1 USD.

Tin mới

Phúc Long và hành trình lan tỏa trà Việt đến Gen Z: Giao thoa giữa truyền thống và hiện đại
Trong bối cảnh thị trường trà và cà phê Việt Nam đang dần trở thành một sân chơi sôi động, không chỉ của các thương hiệu quốc tế mà còn của các tên tuổi nội địa, Phúc Long – thương hiệu trà nổi tiếng của Việt Nam, đã và đang xây dựng một hành trình đầy cảm hứng để kết nối trà Việt với thế hệ Gen Z.
Luật Nhà ở sửa đổi: Thị trường kỳ vọng điều gì?
Luật Nhà ở sửa đổi đang là tâm điểm của sự chú ý trên thị trường bất động sản Việt Nam. Sau nhiều năm thực hiện, những bất cập và hạn chế của khung pháp lý hiện hành đã bộc lộ, đòi hỏi những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội mới.
Người trẻ và giấc mơ an cư
Căn hộ nhỏ xinh nằm trong khu chung cư hiện đại, ngôi nhà nhỏ có vườn rợp bóng cây xanh, hay căn biệt thự sang trọng nằm trong khu đô thị khép kín - đó từng là "giấc mơ an cư" mà bao thế hệ người Việt ấp ủ.
Bí ẩn đằng sau sự hấp dẫn của trà sữa
Trà sữa không chỉ là một thức uống mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo và xu hướng hiện đại. Từ công thức truyền thống đến những biến tấu độc đáo, trà sữa liên tục đổi mới để chinh phục khẩu vị giới trẻ, trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu.