Lâm Đồng: Lập tổ công tác gỡ khó cho doanh nghiệp
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Theo đó, tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư; hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư.
Đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, UBND cấp huyện; hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng đầu tư trên địa bàn…
Tổ công tác hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm của các thành viên; bảo đảm yêu cầu phối hợp, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin, giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; được sử dụng con dấu của cơ quan…
Tùy thuộc yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác có thể mời thêm lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan hoặc các tổ chức hiệp hội, hội, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ.
Đầu năm 2023, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức tiếp và làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư theo định kỳ hàng tháng.
Đây là chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Đồng thời tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh đến năm 2025.
Nhiều dự án trọng điểm cũngđược UBND tỉnh đặc biệt quan tâm
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng đặc biệt chú trọng và tập trung nguồn lực cho đầu tư giao thông với mục tiêu khơi thông các tuyến giao thông huyết mạch nhằm thúc đẩy, tạo sức bật cho kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Với tinh thần chủ động, quyết tâm, các dự án giao thông trọng điểm đang được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh.
Điển hỉnh như Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương hiện đang được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đang nỗ lực với quyết tâm cao để khởi công xây dựng Dự án theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra. Dự án hứa hẹn sẽ góp phần để Lâm Đồng bứt phá phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tỉnh nhà.
Hai năm qua, tỉnh cũng đã thúc đẩy phát triển nhiều dự án như Dự án Xây dựng tuyến ĐT.729 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Thuận và tuyến ĐT.722 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Lắk. Dự án này có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng. Vốn bố trí năm 2022 là 245 tỷ đồng, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh cho biết, hiện đã giải ngân hơn 170,7 tỷ đồng, đạt 69,7%. Dự án đã cơ bản thực hiện xong công tác rà phá bom mìn, vật nổ và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; gói thầu xây lắp đã khởi công từ ngày 1/10/2022, dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12/2024, nhà thầu đang thực hiện công tác lán trại, huy động máy móc và nhân sự để thi công theo hợp đồng đã ký.
Dự án Nâng cấp, mở rộng đèo Prenn - cửa ngõ ra vào TP Đà Lạt cũng là một dự án được kỳ vọng và rất nhiều người dân mong đợi. Dự án có tổng mức đầu tư trên 552,5 tỷ đồng.
Dự án Xây dựng cầu Mỏ Vẹt, huyện Đạ Tẻh cũng đã khởi công vào ngày 9/8/2022 với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn dự kiến bố trí khoảng 300 tỷ đồng đầu tư xây dựng 5 cầu yếu. Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đã được Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng thẩm định và trình UBND tỉnh.
Dự án Xây dựng đường Cam Ly - Phước Thành cũng là một dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư dự kiến 400 tỷ đồng. Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng đã hoàn thành công tác thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và đã trình UBND tỉnh phê duyệt. Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh đang triển khai các công việc tiếp theo để khởi công dự án.
Tuyến đường tránh TP Đà Lạt từ chân đèo Prenn đến xã Xuân Thọ đã và đang được tỉnh quan tâm thúc đẩy sớm thực hiện. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến 400 tỷ đồng. Ban Quản lý Dự án giao thông đã hoàn thiện các phương án tuyến và hiện đang chuẩn bị các thủ tục để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ngay sau khi UBND tỉnh thống nhất phương án đầu tư...
Dự án Nâng cấp ĐT 724 đoạn từ Km 64+509 - Km 71+170, huyện Đam Rông dự kiến vốn 70 tỷ đồng. Hiện, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng đang triển khai các thủ tục để khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Dự kiến, dự án khởi công vào năm 2023.
Trên địa bàn huyện Đơn Dương, tuyến đường nối đô thị Thạnh Mỹ - Liên Nghĩa cũng đang được lập chủ trương đầu tư để trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Khi hoàn thành các dự án, các tuyến đường tỉnh, liên tỉnh, các tuyến đường vành đai cùng với 2 Dự án cao tốc quan trọng là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương dự kiến khởi công vào quý 3/2023 sẽ đảm bảo tính kết nối với các tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực lớn để kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Thuận Hòa