Lãi vay tiêu dùng quá cao: Công ty tài chính 'cắt cổ' tới 85%, khách hàng bùng nợ
Lãi suất của các công ty tài chính cao ngất ngưởng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng bùng nợ tiêu dùng ngày càng nhiều.
Theo bà Trương Hoàng Diệp Hương - Viện Ngiên cứu Khoa học Ngân hàng, để giải quyết tình trạng này cần tập trung vào 2 khâu chính, thẩm định khách hàng và điều chỉnh lãi suất.
Người đi vay kêu khổ, phía đi vay kêu khó
Không may nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự đợt cuối năm, anh Nguyễn Tú, công nhân tại khu công nghiệp ở Mê Linh - Hà Nội, buộc phải tìm đến một công ty tài chính để vay tiền. khi gia đình cần tiền gấp khiến anh không còn cách nào khác.
Sau khi được nhân viên tư vấn và kiểm tra giấy tờ tùy thân, đăng ký xe, anh Tú được duyệt khoản vay 30 triệu với lãi suất 1,25%/tháng, chưa bao gồm phí thẩm định và phí quản lý tài sản, với thời gian vay là 12 tháng.
Mặc dù nhân viên liên tục khẳng định “hiện không có chỗ nào có lãi suất tốt như bên em” nhưng tính ra, tổng số tiền cả gốc lẫn lãi mà anh Tú phải trả sau 12 tháng là gần 40 triệu đồng. Dẫu vậy, do thủ tục nhanh chóng và không đủ điều kiện để vay ngân hàng, anh Tú chấp nhận ký tên vay tiền và được giải ngân sau đó chỉ 30 phút.
Giống như anh Tú, dù biết lãi vay của các công ty tài chính cao nhưng nhiều người vẫn chọn vay vì thu nhập thấp hoặc không đủ điều kiện tiếp cận vay vốn tại các ngân hàng.
Nhân viên của một công ty tài chính khác chia sẻ, càng gần Tết nguyên đán, người đi vay càng nhiều. “Có khách đến tận phòng giao dịch, có khách thì liên hệ vay qua Zalo, Facebook, bên mình không thiếu người hỏi vay. Ngay như hôm trước, có cả một bạn sinh viên đến vay 10 triệu”, nhân viên này cho hay.
Lãi suất vay tiêu dùng của các công ty tài chính đang ở mức cao và có biên độ chênh lệch lớn. Theo khảo sát nhanh của VietnamFinance, tại HD Saison, lãi suất cho hay hiện đang dao động ở mức 20,28% - 41,88%. Tại Mirae Asset Finance, mức lãi suất rơi vào khoảng hơn 25,08% - 37,08%/năm với khoản vay từ 6 – 60 tháng. Hay như tại Fe Credit, lãi suất đang dao động trong khoảng 21% - 40%/năm. Tại Mcredit và OCB Finance, lãi suất đang ở mức 22,68% - 40,68%/năm. Tại Home Credit, lãi suất thấp hơn nhưng cũng dao động trong khoảng từ 25,08% - 37,08%/năm.
Đáng nói là đây chỉ là mức lãi suất tham khảo. Lãi suất thực tế có thể thay đổi tùy vào hồ sơ vay và lịch sử tín dụng của từng khách hàng bởi đa số các khoản vay tại các công ty tài chính đều là vay tín chấp.
Nếu không chứng minh được khả năng trả nợ, có nguy cơ nợ xấu lớn, có “vết đen” tài chính, khách hàng sẽ phải chịu mức lãi cao hơn rất nhiều. Cá biệt, có trường hợp lãi suất vay tiêu dùng lên tới 85%/năm.
Bên cạnh đó, điều khoản hợp đồng vay tiền của nhiều công ty tài chính còn có một số điểm bất lợi cho người vay như tính lãi suất theo số dư nợ gốc, phí trả chậm cao, phí thẩm định cao,… Chính vì thế, chỉ cần chậm trả một vài ngày, số tiền mà người đi vay phải trả có thể còn cao hơn nhiều lần so với số tiền vay ban đầu.
Lãi suất cao cùng với nhiều loại phí phát sinh khiến nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ, dẫn đến thực trạng bùng nợ tăng cao trong những năm qua.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các công ty tài chính đang hoạt động tại thị trường Việt cũng than khó.
Trên thực tế, vì cho vay với thủ tục đơn giản, điều kiện vay lại dễ dàng hơn so với ngân hàng để dễ tiếp cận các đối tượng dưới chuẩn nên các công ty tài chính phải đối mặt với rủi ro nợ xấu cao. Do đó, các công ty tài chính đã áp dụng mức lãi suất cao hơn ngân hàng để bù đắp rủi ro.
Không chỉ vậy, các công ty tài chính thường cung cấp các khoản vay giá trị thấp với kỳ hạn vay ngắn, thậm chí có khoản vay kỳ hạn chỉ từ 4 - 5 tháng. Điều này dẫn đến các chi phí thu hồi và chi phí quản lý khoản vay cao hơn bình thường, từ đó, tác động không nhỏ đến lãi suất vay.
Tuy nhiên, nhiều người lại đánh đồng các công ty tài chính được cấp phép hoạt động với các tín dụng đen cho vay lãi cao “cắt cổ”. Từ đó, ngày càng có nhiều người sinh ra tâm lý bùng nợ, trốn nợ.
Ông Lê Quốc Ninh, Tổng giám đốc Mcredit, từng chia sẻ, ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng ngày càng kém, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các công ty tài chính.
Tình trạng bùng nợ ngày càng nhiều cộng với tình hình kinh tế khó khăn chung đã kéo lùi lợi nhuận của nhiều công ty tài chính. Trong nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của một số công ty tài chính đã sụt giảm mạnh, từ 30 - 80%, thậm chí tới hơn 300% so với cùng kỳ năm 2022.
Làm gì để 'vẹn cả đôi đường'?
Trả lời VietnamFinance, bà Trương Hoàng Diệp Hương, Trưởng nhóm nghiên cứu định chế tài chính, Viện Ngiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, nhận định: "Vấn đề hạn chế rủi ro tín dụng vẫn nằm ở 2 khâu chính, đó là thẩm định khách hàng và duy trì mức lãi suất phù hợp".
Về thẩm định khách hàng, đặc điểm của các khoản vay tiêu dùng qua các công ty tài chính thường có giá trị tương đối nhỏ, có thể yêu cầu tài sản đảm bảo hoặc không yêu cầu tài sản đảm bảo, và có thủ tục xét duyệt nhanh.
"Sự tiện lợi này đi kèm với những rủi ro trong thẩm định khách hàng. Cá biệt, có nhưng trường hợp khách hàng không đủ điều kiện vay vốn nhưng vẫn được hỗ trợ giấy tờ. Do đó, về mặt quản lý, cần quy định chặt chẽ các điều kiện mà khách hàng được vay vốn tiêu dùng, cũng như tăng cường giám sát việc các công ty tài chính. Vấn đề về giám sát điều kiện vay vốn được thực hiện tương đối chặt chẽ tại các NHTM, nhưng dường như bị bỏ ngỏ tại các công ty tài chính", bà nói.
Cùng với đó, bản thân các công ty tài chính cũng phải nâng cao năng lực nhận diện khách hàng. Thực tế hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, dữ liệu, và quá trình số hóa đang diễn ra mạnh mẽ, có rất nhiều các phương thức hiện đại mà các công ty tài chính có thể áp dụng để phân tích hành vi, từ đó đánh giá điểm tín dụng cho khách hàng.
Vấn đề ở đây là các công ty cần nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai các phương thức đánh giá khách hàng đa kênh, để từ đó có những sự đầu tư phù hợp về nhân lực và thời gian. Có như vậy, các rủi ro liên quan tới tín dụng tiêu dùng tại các công ty tài chính mới có thể được giảm xuống, bà Hương nhận định.
Về lãi suất, bà Hương cho rằng cần áp dụng trần lãi suất cho các khoản vay tiêu dùng và giới hạn các loại phí quản lý vay.
“Hiện Việt Nam chưa có quy định về áp dụng trần lãi suất cho các khoản vay tiêu dùng, mức lãi suất cho vay tiêu dùng được điều chỉnh theo cơ chế cạnh tranh và thường dao động ở mức 20 – 40%. Việc mức lãi suất cao quá mức sẽ tạo ra áp lực lớn đối với người vay vốn, kéo theo rủi ro tín dụng cho các công ty tài chính khi khách hàng không có khả năng trả nợ, nhất là trong tình trạng các khoản vay tín dụng này thường không yêu cầu tài sản đảm bảo. Do đó, áp dụng trần lãi suất cho vay tiêu dùng, hoặc ít nhất là việc kiểm soát chặt của NHNN khi các tổ chức tài chính trình phương án lãi suất, là điều cần thiết để giảm rủi ro tín dụng.
Thêm nữa, các tổ chức tín dụng Việt Nam đang duy trì tỷ lệ NIM (chênh lệch lãi suất huy động và cho vay) ở mức tương đối cao so với các quốc gia khác trong khu vực, ở mức 3,35%, cao hơn nhiều so với 2,46% của Thái Lan hay 2,16% của Trung Quốc. Theo tôi, tỷ lệ NIM bình quân nên giao động trong khoảng từ 2-3% là hợp lý. Với các khoản vay tiêu dùng, tỷ lệ NIM có thể cao hơn, nhưng nên duy trì ở mức 4-5%.
Tương tự, các khoản phí quản lý vay cũng nên được giới hạn, để tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất cho vay. Có những trường hợp, mức lãi suất thực tế phải trả có thể cao hơn 4 – 5% so với mức lãi suất trên hợp đồng, mà nguyên nhân xuất phát là sự thiếu minh bạch về tư vấn, cũng như sự xuất hiện của các chi phí quản lý cao quá mức. Chỉ khi các khoản chi phí này được minh bạch hóa và quản lý chặt chẽ, hoạt động cho vay tiêu dùng mới trở nên lành mạnh và thực sự đạt được mục tiêu hỗ trợ kinh tế của mình”, bà Hương chia sẻ.
Khánh Tú