Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất tháng 8/2023?
Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với những tháng đầu năm. Hiện không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm.
Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động
Khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm (lãi suất huy động) niêm yết trên website của các ngân hàng trong nước cho thấy phần lớn ghi nhận xu hướng tiếp tục đi xuống, chỉ tăng nhẹ tại một vài kỳ hạn.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) giảm mạnh lãi suất lên tới 0,6%/năm kể từ ngày 1/8.
Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng được ABBank điều chỉnh từ 7%/năm xuống còn 6,4%/năm; kỳ hạn từ 7 đến 12 tháng cũng giảm từ 7,2%/năm xuống còn 6,7%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7,2%/năm xuống 7%/năm. Trên đây là các mức lãi suất tiết kiệm trên kênh Online – Esaving và ứng dụng AB Ditizen – Msaving.
Còn với lãi suất tại quầy, ABBank hiện áp dụng mức 5,4%/năm cho kỳ hạn từ 13-36 tháng; 6%/năm cho kỳ hạn từ 7 đến 12 tháng và 6,3%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Các mức này chênh lệch khá lớn so với tiền gửi online.
Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) cũng giảm đồng loạt lãi suất huy động đối với các kỳ hạn tiền gửi từ trên 6 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng cao nhất chỉ còn 7,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 7,6%/năm. Các mức này hiện thấp hơn biểu lãi suất huy động hồi đầu tháng 7 tới 0,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng này lại tăng nhẹ từ 7,2%/năm lên thành 7,3%/năm.
Như vậy, lãi suất cao nhất tại CBBank cũng chỉ ở mức 7,7%/năm áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng.
Tại Kienlongbank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có mức điều chỉnh giảm đồng loạt 0,5% ở các kỳ hạn được khảo sát. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn 6,9,12,24 tháng lần lượt niêm yết tại 6,1%/năm, 6,3%/năm, 6,5%/năm, 6,7%/năm.
Biểu lãi suất tiền gửi tại Saigonbank được ghi nhận kỳ hạn 6 tháng là 6,8%, 9 tháng là 6,9%, 12&24 tháng là 7,2%/năm. Đáng chú ý mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất tại Saigonbank là 7,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, trong tuần cuối tháng 7, bốn ngân hàng lớn gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), đã đồng loạt giảm lãi suất huy động các kỳ hạn xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-3 tháng tại các ngân hàng này dao động từ 3,3-4,1%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng là 5%/năm và 12 tháng là 6,3%/năm. Mức 6,3%/năm cũng là mức lãi suất huy động cao nhất mà 4 ngân hàng trên đang áp dụng.
Lãi suất cao với những khoản tiền gửi "khủng"
Để thu hút lượng tiền gửi lớn, một số ngân hàng vẫn đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi 8-11%/năm với điều kiện đi kèm.
Từ ngày 1/8, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) áp mức lãi suất cao nhất 9,1%/năm với điều kiện khách hàng phải gửi từ 300 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 13 tháng; dưới 300 tỷ đồng, áp dụng lãi suất 7,35%/năm.
Với kỳ hạn 12 tháng, HDBank cũng áp dụng lần lượt lãi suất 8,6%/năm cho các khoản gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.
PVcomBank tiếp áp dụng mức lãi suất 11%/năm với khoản tiền trên 2.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 12 và 13 tháng, giảm 0,5% điểm % so với tháng trước. Trường hợp số dư tiền gửi dưới 2.000 tỷ đồng, ngân hàng này hiện áp dụng lãi suất 6,6%/năm. PVcomBank cho biết lãi suất trên cũng là mức lãi suất cơ sở để xác định lãi vay.
Khách hàng chỉ cần gửi từ 200 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) được hưởng mức lãi suất cao nhất là 7,3%/năm.
Tại MSB, sổ tiết kiệm mở mới từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng sẽ được áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm, dưới 500 tỷ đồng lãi suất ở mức 6%/năm.
Trung Anh