Kỳ vọng kinh tế tư nhân tạo kỳ tích mới
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Trước đó, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cũng đưa ra nhiều chủ trương, định hướng rất cụ thể.
Trao đổi với Báo Xây dựng, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận, với việc đổi mới tư duy, chắc chắn Việt Nam sẽ tạo được kỳ tích mới trong phát triển.

Kinh tế tư nhân là nền tảng
Theo ông, các quyết sách quan trọng vừa qua sẽ tác động, tạo sức bật thế nào cho kinh tế tư nhân phát triển thời gian tới?
Một điểm đặc biệt quan trọng là chúng ta đã khẳng định "kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của kinh tế thị trường". Đây là sự giải phóng tư tưởng. Giống như năm 1986, chúng ta thừa nhận kinh tế tư nhân, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, để nền kinh tế "lột xác" thần kỳ.
Thông điệp "kỷ nguyên vươn mình" hàm nghĩa chúng ta phải bứt ra khỏi trạng thái cũ, vươn mình lên để khác đi, tiếp tục đi lên chứ không phải theo lối cũ, phải ở tầm và thế khác.
Cách tiếp cận thể chế "điểm nghẽn của điểm nghẽn", hàm nghĩa đó cũng chính là tọa độ "đột phá của đột phá". Với cách nhìn như vậy thì chắc chắn nền kinh tế sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ, vươn tầm.
PGS.TS Trần Đình Thiên
Gần bốn thập kỷ chúng ta thừa nhận kinh tế tư nhân nhưng đến bây giờ mới khẳng định đúng giá trị và vị thế của nó. Khẳng định đó giống như giải phóng triệt để lập trường phát triển. Nhờ đó mới có thể phát huy hết sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại.
Chuyển sang kinh tế thị trường thực chất là một cuộc cách mạng. Mà thị trường có nền tảng là kinh tế tư nhân. Nhận thức được như vậy thì "kỷ nguyên vươn mình" mới có thể thực sự diễn ra được, đất nước mới có thể tiến kịp thế giới để tiến cùng thời đại.
Tôi cho rằng, mở tư duy, đổi mới tư tưởng, khơi dậy niềm tin giống như năm 1986 đã tạo ra, Việt Nam chắc chắn sẽ thực sự vươn mình, tạo được kỳ tích mới.
Tạo dựng niềm tin "không gì là không thể"
Vậy theo ông, việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết cần được triển khai thế nào để sớm tạo động lực cho kinh tế tư nhân?
Nhà nước phải làm tốt chức năng định hướng, dẫn dắt, tạo điều kiện và hỗ trợ nền kinh tế thị trường phát triển.

Ví dụ cách tiếp cận phát triển hạ tầng giao thông gần đây. Nếu hạ tầng giao thông không được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại thì chúng ta không thể có được những kết quả như bây giờ.
Việc phát triển hạ tầng giao thông quyết liệt, táo bạo vừa qua có thể nói là phi thường, tạo cho chúng ta niềm tin, như Thủ tướng Chính phủ hay nói "không gì là không thể".
Gần đây nhất là triển khai và khánh thành hơn 80 dự án quan trọng quốc gia với số vốn gần 15 tỷ USD. Nhưng điều quan trọng nhất không phải ở số lượng dự án và vốn đầu tư mà là cách làm mới, với sự đồng thuận và tự tin toàn dân tộc.
Tương tự, ngoài hạ tầng thì thể chế, nguồn nhân lực cũng là những đột phá trọng tâm để phát triển đất nước.
Nội hàm của Nhà nước kiến tạo, nói một cách khái quát là Nhà nước phải tạo lập những điều kiện căn bản tối thiểu, quyết định để đất nước chuyển nhịp. Vì thế, việc sớm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành các quy định pháp luật để triển khai trong thực tế là rất cấp thiết.
Phát triển nguồn nhân lực gắn với công nghệ cao
Chúng ta không thể phát triển nếu không có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo ông, vai trò của khu vực tư nhân có ý nghĩa thế nào trong việc này?
Về nguồn nhân lực, nếu chỉ có Nhà nước sẽ rất khó khăn, khó có thể đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhân lực bây giờ gắn với công nghệ cao, gắn với chip bán dẫn, việc đào tạo phải gắn với sự liên kết giữa các tập đoàn lớn và các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Trung tâm đổi mới sáng tạo phải luôn đồng hành với doanh nghiệp, đặc biệt là những tập đoàn công nghệ lớn. Đây là lĩnh vực mang tính sống còn, quyết định tương lai, cũng là lĩnh vực Việt Nam có lợi thế, tiềm năng to lớn.
Chúng ta khó có thể nhập cuộc ngay vào lĩnh vực chip bán dẫn tầm cao, ở những khâu quyết định, như thiết kế hay sản xuất các con chip siêu nhỏ. Việc này cần có lộ trình và một quyết tâm rất cao mới có thể thành công.
Nếu chúng ta tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đúng cách thì có thể tiếp cận, tham gia vào quá trình ấy trên toàn tuyến và đáp ứng không chỉ riêng cho thị trường Việt Nam mà cho cả thị trường quốc tế.
Theo ông, việc tạo lập thể chế để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp quan trọng ra sao?
Việc tạo lập những điều kiện nền tảng để phát triển nền kinh tế công nghệ cao là yếu tố đầu tiên phải được chú trọng. Phải tạo ra hạ tầng số. Hạ tầng số giống như "kho lương" - nguồn nguyên liệu đầu vào cho nền kinh tế hiện đại.
Quan trọng nhất là tạo môi trường, thể chế thông thoáng cho phát triển doanh nghiệp.
Hiện nay, trong các lĩnh vực công nghệ cao, những lĩnh vực gắn với năng lượng tái tạo, gắn với chuyển đổi xanh… là những tọa độ định hướng để doanh nghiệp Việt có thể tập trung ưu tiên.
Tuy nhiên, trong định hướng lựa chọn, Nhà nước cần đặc biệt chú ý tạo những điều kiện thể chế cho sự ra đời, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chính là lực lượng quyết định tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Điều đó đã được khẳng định trong Nghị quyết 57 Bộ Chính trị, được coi là Nghị quyết đột phá, giống như Nghị quyết "khoán 10" trước đây. Vì thế, các luật liên quan cần được nghiên cứu sửa đổi để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách mạnh mẽ.
Cảm ơn ông!