0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 20/05/2025 15:04 (GMT+7)

“Cú hích” thể chế cho kinh tế tư nhân bứt phá

Theo dõi KT&TD trên

Hầu hết các doanh nghiệp ngoài quốc doanh bày tỏ sự phấn khởi và hào hứng trước việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân, cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong tư duy phát triển kinh tế.

Động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu

Trong bối cảnh nền kinh tế cần một cú hích đột phá để tăng trưởng nhanh, bền vững, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 (Nghị quyết 68) được ví như “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế”, kinh tế tư nhân không còn là ”bổ trợ” mà được xác định là một động lực quan trọng, có vai trò không thể thay thế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Cú hích” thể chế cho kinh tế tư nhân bứt phá
Phó Tổng Giám đốc DAC Phạm Thị Nguyệt (ngồi giữa) cho biết: Nghị quyết 68 tạo cơ hội để doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực chuyên môn, quản trị và ứng dụng công nghệ mới.

Hiện nay, kinh tế tư nhân trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế, đóng góp hơn 50% GDP, tạo 82% việc làm với 40 triệu lao động và chiếm 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, khu vực này vẫn bị kìm hãm bởi nhiều rào cản: Thủ tục hành chính rườm rà, thiếu khung pháp lý cho công nghệ mới.

Nghị quyết 68 đã tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng và định hướng phát triển lâu dài cho khu vực tư nhân.

Trao đổi với Lao động Thủ đô, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho biết, Nghị quyết 68 phản ánh đúng thực tiễn đang diễn ra, khẳng định vai trò của kinh tế nhân là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu, trong tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cũng như nâng cao năng suất lao động.

Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân: Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nêu rõ, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội, trên 50% GDP, hơn 30% thu ngân sách Nhà nước và đặc biệt là trên 80% tổng số lao động trong nền kinh tế.

Nếu chúng ta thực hiện tốt chủ trương, chắn một thể chế mới, hệ sinh thái mới sẽ thuận lợi hơn, giúp các doanh nghiệp khai thác, phát huy tốt nhất năng lực của mình và cộng hưởng lại để tạo ra sức mạnh của một cộng đồng kinh tế tư nhân Việt Nam.

"Nói cách khác, trong tương lai, kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mở rộng về quy mô, phạm vi lan tỏa. Hiệu quả cũng sẽ cao hơn và đặc biệt sẽ hình thành hai khu vực: Một là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn với những doanh nghiệp mang tầm khu vực và toàn cầu đủ sức dẫn dắt các thành phần và các doanh nghiệp khác. Hai là mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ và vừa kết hợp lại tạo ra một cơ cấu nền kinh tế hai tầng cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế FDI sẽ tạo một sự vững mạnh, một trục xương sống để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường", Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng, bà Phạm Thị Nguyệt - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Thiết kế kiến trúc Việt Nam (DAC) bày tỏ: Trước hết, chúng tôi đánh giá rất cao việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết chuyên đề về kinh tế tư nhân. Đây là dấu mốc có ý nghĩa lớn, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc thúc đẩy khu vực tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Với đặc thù là doanh nghiệp tư vấn thiết kế trong lĩnh vực đầu tư công, chúng tôi nhìn nhận rõ những kỳ vọng thiết thực từ nghị quyết lần này, trong đó, vấn đề cải cách về thủ tục đầu tư, xây dựng - đang còn rườm rà và thiếu thống nhất - sẽ được đẩy mạnh. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp tư vấn xây dựng, khi mà thời gian và chi phí liên quan đến hồ sơ, phê duyệt, thẩm định vẫn còn là rào cản lớn.

"Ngoài ra, Nghị quyết tạo nền tảng để các doanh nghiệp tư nhân - trong đó có chúng tôi - từng bước nâng cao năng lực chuyên môn, quản trị và ứng dụng công nghệ mới như BIM, chuyển đổi số, tiêu chuẩn xanh… Đây là hướng đi tất yếu để tư vấn xây dựng trong nước đủ sức cạnh tranh với các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong các dự án quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật cao", Phó Tổng Giám đốc DAC nói.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Việc Bộ Chính trị chính thức khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân sẽ tạo thêm niềm tin, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư dài hạn minh bạch hơn.

Phó Tổng Giám đốc DAC Phạm Thị Nguyệt kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng hơn, minh bạch hơn trong đấu thầu. Đồng thời, chúng tôi cũng hy vọng các thủ tục đầu tư, xây dựng sẽ được cải cách mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận thuận lợi hơn với các dự án công và các cơ hội phát triển dài hạn.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp không ít khó khăn khi tham gia vào thị trường tư vấn xây dựng, đặc biệt là trong các dự án sử dụng vốn ngân sách. Chúng tôi hy vọng, với định hướng mới từ Nghị quyết 68, các thủ tục đấu thầu, xét chọn nhà thầu sẽ được cải tiến theo hướng khách quan, công khai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân có năng lực thực sự được tham gia sâu rộng hơn vào các dự án

“Chúng tôi mong rằng, sau Nghị quyết sẽ là các chương trình hành động cụ thể từ Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương, để biến các định hướng lớn thành chính sách thực thi hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững, đồng hành cùng Nhà nước trong việc kiến tạo hạ tầng và phát triển đất nước”, bà Phạm Thị Nguyệt cho biết

Đại diện lãnh đạo một công ty về lĩnh vực xây dựng trên địa bàn quận Cầu Giấy cho rằng, Nghị quyết 68 sẽ mở đường cho cải cách thể chế được mong đợi từ lâu như tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, nhất là trong đấu thầu, tín dụng, khơi thông các nguồn lực xã hội hoá…những lĩnh vực mà khu vực tư nhân đôi khi gặp rào cản bởi thủ tục hành chính.

“Cú hích” thể chế cho kinh tế tư nhân bứt phá
Doanh nghiệp về lĩnh vực xây dựng mong đợi Nghị quyết 68 tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân trong đấu thầu.

Vị này cũng rất tâm với các giải pháp cụ thể nhằm gỡ nút thắt cho kinh tế tư nhân. Trong đó, cam kết giảm ít nhất 30% thời gian và chi phí thủ tục hành chính. Nghị quyết cũng đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất ưu đãi từ 3 đến 5%/năm; khuyến khích ngân hàng phát triển sản phẩm vay không cần tài sản thế chấp, chấp nhận tài sản vô hình như bản quyền phần mềm hoặc hợp đồng tương lai.

Từ các góc nhìn của chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đều cùng khẳng định: Nghị quyết số 68 là bước ngoặt chiến lược trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân. Tinh thần quyết liệt, mục tiêu rõ ràng và loạt giải pháp cụ thể từ nghị quyết đang mở ra cơ hội chưa từng có cho khu vực kinh tế tư nhân.

Bạn đang đọc bài viết “Cú hích” thể chế cho kinh tế tư nhân bứt phá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Doanh nghiệp tư nhân: Dám mơ lớn, dám vươn xa
Trong bức tranh kinh tế năng động và không ngừng đổi mới của Việt Nam, khu vực doanh nghiệp tư nhân nổi lên như một ngọn lửa nhiệt huyết, không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng chung mà còn mang trong mình khát vọng vươn ra biển lớn.
SHB chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức bằng tiền năm 2024
Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội thông báo về ngày chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, SHB chi trả cổ tức năm 2024 với tổng tỷ lệ 18%, gồm 5% bằng tiền và 13% bằng cổ phiếu.

Tin mới

Đề xuất phạt tiền gấp đôi tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, sáng 20/5/2025, Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Làm giàu là vinh quang, là yêu nước
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị sáng 18/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra một thông điệp có ý nghĩa đặc biệt: