Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2024
Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và sẽ còn tăng trong những năm tới.
Mới đây, WB đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo điểm lại tháng 8, WB nhận định kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tốt trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2024, nhờ sự phục hồi xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, du lịch, tiêu dùng và đầu tư.
Đáng chú ý, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6,1% trong năm 2024, cao hơn so với mức 5% năm 2023, sau đó sẽ lên mức 6,5% trong năm 2025, 2026.
Mặc dù dự báo của WB thấp hơn mức ước tính 6,5% của HSBC và mục tiêu của Chính phủ Việt Nam, song nhìn chung, đánh giá của định chế tài chính này là khá tích cực.
Báo cáo của WB tính toán thận trọng dựa trên những dự báo về sự chững lại nhu cầu của một số nền kinh tế lớn trong những tháng còn lại của năm 2024, trong đó có Mỹ.
WB cũng dự báo, thị trường bất động sản sẽ đảo chiều tích cực hơn vào cuối năm 2024 và 2025, trong bối cảnh Luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 8/2024. Các cơ quan chức năng cũng nỗ lực vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn trầm lắng trong nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023.
Rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo WB là yếu tố bất định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, liên minh Châu Âu và Trung Quốc.
Trong nước, thị trường bất động sản có thể hồi phục lâu hơn dự kiến, chất lượng tài sản của các ngân hàng yếu đi sẽ làm giảm năng lực cho vay.
Ở chiều ngược lại, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn tại các nền kinh tế phát triển lớn đã bắt đầu kết hợp với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9 có thể thúc đẩy tổng cầu ở các nền kinh tế phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Điều này góp phần làm giảm chi phí huy động tài chính trên toàn cầu và thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD/VND, từ đó đem lại tác động tích cực cho ngành ngân hàng và khu vực tài chính ở Việt Nam.
Cũng trong báo cáo này, WB đánh giá bội thu ngân sách Nhà nước đạt mức 4,2% GDP trong nửa đầu năm nay so với mức 1,5% trong nửa đầu năm ngoái do tổng thu ngân sách cao hơn và chi ngân sách thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, thu ngân sách lên đến 19,5% GDP trong nửa đầu năm nay (tăng 1 điểm % so nửa đầu năm ngoái) do tăng thu từ vốn chủ yếu là từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các nguồn thu lớn từ thuế.
Chiều ngược lại, chi ngân sách giảm 1,6 điểm % từ mức 17% GDP của nửa đầu năm ngoái do giải ngân đầu tư công giảm và chi thường xuyên cũng giảm. Tuy nhiên, bội thu ngân sách lớn trong nửa đầu năm nay dẫn đến giảm nhu cầu huy động vay.
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2024 (từ ngày 01/8 đến ngày 15/8/2024) đạt 32,93 tỷ USD, giảm 11,4% (tương ứng giảm 4,24 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2024.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 8/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8/2024 đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng tăng 68,58 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 321,04 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 42,73 tỷ USD).
Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 8/2024 đạt 16,93 tỷ USD, giảm 14,9% (tương ứng giảm 2,96 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 7/2024.
Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 8/2024 giảm so với kỳ 2 tháng 7/2024 ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện giảm 791 triệu USD, tương ứng giảm 26,3%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 562 triệu USD, tương ứng giảm 21,4%; hàng dệt may giảm 211 triệu USD, tương ứng giảm 10,3%...
Như vậy, tính đến hết 15/8/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 244,41 tỷ USD, tăng 16% tương ứng tăng 33,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Anh Thư