Kiến nghị rà soát các NHTM đang quản lý tài sản bảo đảm phát hành trái phiếu
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra đề nghị truy tố Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng 14 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Đồng thời, kiến nghị hàng loạt nội dung nhằm bịt kín những “lỗ hổng” trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Nhà đầu tư chắc chắn được hoàn trả hơn 8.000 tỷ đồng bị Tân Hoàng Minh lừa đảo
Chiều 2/10, tại Hà Nội, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã chủ trì Họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an quý III/2023.
Thông tin tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (C03) Bộ Công an, cho biết cơ quan này vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Theo thiếu tướng Thanh, quá trình điều tra, C03 xác định Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của hơn 6.000 bị hại. Đến nay, C03 đã thu hồi đủ số tiền hơn 8.600 tỷ đồng Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã lừa đảo. Theo quy định, đây là vật chứng của vụ án và phải được phong tỏa, phải được đưa ra xét xử.
"Khi tòa tuyên Tân Hoàng Minh lừa đảo, theo luật thì tang vật, tài sản sẽ được trả lại cho người dân, cho nhà đầu tư. Tôi tin và chắc chắn rằng người dân, các nhà đầu tư sẽ nhận lại toàn bộ số tiền bị lừa, nhưng phải theo trình tự, thủ tục pháp luật", Thiếu tướng Thanh nói.
Số lượng bị hại rất lớn, quá trình xét xử tòa sẽ rà soát từng người, do vậy, Thiếu tướng Thanh đề nghị những bị hại theo dõi chặt quá trình truy tố, xét xử để bảo đảm quyền lợi của mình. Đặc biệt, nếu cần thiết thì xuất trình thêm các giấy tờ, thủ tục để có thể nhận lại toàn bộ tài sản bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt.
Trước đó, ngày 29/9, C03 đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng 14 bị can khác cùng về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo kết luận điều tra, do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, thị trường bất động sản "đóng băng" và tín dụng ngân hàng bị siết chặt, giai đoạn năm 2021 và đầu năm 2022, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính, dư nợ tín dụng rất lớn.
Do cần tiền trả nợ và đầu tư, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới sử dụng 3 công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông ngụy tạo hoạt động kinh doanh, nhằm phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ, với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Bộ Công an xác định có 3 ngân hàng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo và tài khoản trái phiếu, liên quan đến 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Tại SHB Trung tâm kinh doanh (thuộc SHB), đơn vị này nhận tài sản đảm bảo của trái phiếu Ngôi Sao Việt 800 tỉ đồng và Soliel 800 tỉ đồng. Khi thực hiện, SHB Trung tâm kinh doanh ký hợp đồng thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo, nhận giữ bản gốc giấy tờ liên quan tài sản… mà không có quy định về thẩm định hoặc thẩm định lại giá trị các tài sản đảm bảo.
Tài liệu điều tra xác định, SHB Trung tâm kinh doanh chỉ dựa vào chứng thư thẩm định giá của các đơn vị thẩm định giá để ký hợp đồng quản lý tài sản với các tổ chức phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Tương tự, tại Vietinbank Chi nhánh Tây Thăng Long, việc nhận quản lý tài sản đảm bảo cũng chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của công ty thẩm định.
Đối với quản lý tài khoản trái phiếu, Vietinbank Chi nhánh Tây Thăng Long cho rằng, việc rút vốn khỏi các tài khoản trái phiếu của các tổ chức phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã đúng với phương án phát hành. Sau khi dòng tiền ra khỏi tài khoản, ngân hàng không có thỏa thuận quản lý tài khoản khác nên không biết việc chạy dòng tiền khống.
Tại Vietcombank Chi nhánh Thanh Xuân, các cá nhân tại đơn vị này cũng khai việc rút tiền của tổ chức phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là đúng mục đích, phương án phát hành. Số tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu sau đó được luân chuyển, rút nộp như thế nào, phía ngân hàng không theo dõi do không có thỏa thuận quản lý với khách hàng như quản lý tài khoản trái phiếu…
Bộ Công an cho hay, theo quy định tại luật Tổ chức tín dụng và giấy phép hoạt động, 3 ngân hàng được phép cung cấp các dịch vụ nêu trên. Thế nhưng, Nghị định 153/2020 và văn bản nội bộ của các ngân hàng lại không có quy định, hướng dẫn thủ tục, quy trình quản lý tài sản đảm bảo, quản lý tài khoản trái phiếu.
Đến nay, kết quả điều tra không có tài liệu xác định các ngân hàng này có dấu hiệu thông đồng, thỏa thuận với các tổ chức phát hành để phát hành trái phiếu, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, do đó, không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.
Giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan, hoàn thiện quy trình tổ chức và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch công khai, minh bạch; đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được kiểm tra, xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm, tội phạm liên quan.
Xử lý nghiêm về hành chính đối với các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên có sai phạm đã kết luận trong vụ án (đình chỉ kinh doanh; thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thẩm định giá; thu hồi chứng chỉ hành nghề Kiểm toán viên, Thẩm định viên...). Đồng thời, cần chủ động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên.
Có biện pháp quản lý chứng chỉ hành nghề, đăng ký con dấu pháp nhân, chữ ký kiểm toán viên, thẩm định viên để phòng ngừa các đơn vị, cá nhân này lợi dụng chứng chỉ, chức danh nghề thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, bán tư cách pháp nhân, bán con dấu, ký giả chữ ký trên các báo cáo kiểm toán, chứng thư thẩm định giá vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, các quy định về thẩm định giá và quy định pháp luật liên quan.
Kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, trong đó quy định cụ thể, chi tiết đối với việc định giá tài sản hình thành trong tương lai và hồ sơ, thủ tục định giá tài sản đảm bảo cho phát hành trái phiếu.
Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các công ty chứng khoán trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhằm nâng cao vai trò, gắn trách nhiệm của các công ty chứng khoán trong việc phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Rà soát tổng thể các NHTM đang quản lý tài sản bảo đảm phát hành trái phiếu
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát tổng thể các ngân hàng thương mại đang cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm của các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; yêu cầu đánh giá lại tính pháp lý, giá trị tài sản để đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ của tài sản và khả năng thanh toán, thanh khoản khi tổ chức phát hành không trả được gốc, lãi trái phiếu đến hạn.
Yêu cầu các ngân hàng thương mại cần có quy định rõ quy trình, thủ tục tiếp nhận tài sản bảo đảm của trái phiếu, mở tài khoản trái phiếu đảm bảo chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm, không ỷ lại chứng thư thẩm định giá của các công ty thẩm định giá trong khi các ngân hàng đều có bộ phận thẩm định và quản lý rủi ro để đánh giá tính hợp pháp, khả thi của các loại tài sản bảo đảm trái phiếu.
Giám sát dòng tiền luân chuyển qua tài khoản trái phiếu, không để lợi dụng chuyển tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu không đúng mục đích phát hành; quy định trách nhiệm của các ngân hàng khi cung cấp các dịch vụ liên quan phát hành trái phiếu.
"Yêu cầu các ngân hàng thương mại gồm VietinBank, VietcomBank, SHB tổ chức rà soát, kiểm điểm việc cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý tài sản bảo đảm các gói trái phiếu riêng lẻ của Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm về mặt đảng và chính quyền đối với những cá nhân, đơn vị có liên quan", kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra nêu rõ.
Cùng với đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng chỉ rõ những “lỗ hổng” pháp lý và kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật.
Cụ thể, đối với quy định của Luật về phòng, chống rửa tiền, Nghị định 153/2020, Nghị định 65/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, cần nghiên cứu bổ sung, quy định báo cáo về dòng tiền thanh toán qua tài khoản trái phiếu, có quy định về tài khoản trái phiếu chỉ dành riêng cho mục đích phát hành trái phiếu và phải có biện pháp giám sát dòng tiền trái phiếu, phòng ngừa hành vi chạy dòng tiền “khống” để hợp thức phương án phát hành và tạo lập giá trị “ảo” của trái phiếu; gắn trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong việc báo cáo các giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ liên quan đến phát hành trái phiếu.
Bổ sung, hoàn thiện các quy định của Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022 theo hướng cần quy định, hướng dẫn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có tài sản đảm bảo, nguyên tắc xác định giá trị tài sản đảm bảo, trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá và quản lý tài sản đảm bảo; yêu cầu mọi hoạt động mua bán, giao dịch trái phiếu dưới mọi hình thức phải được quản lý, giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin và tuân thủ các quy định pháp luật.
Ngoài 15 bị can đã khởi tố và đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau. Có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm; đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo các quy định của đảng và chính quyền.
Hồng Quang